tuyến đường sắt; thái độ thù địch đối với dân nhập cư từ Nam và Đông âu
dẫn đến các bộ luật về hạn chế nhập cư vào những năm 1920.
Tinh thần cải cách những năm 1960 đã dẫn đến việc nới lỏng sự hạn chế về
nhập cư, nhưng đến những năm 1990, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa
đều lợi dụng mối lo về kinh tế của những người lao động Mỹ. Công việc bị
mất vì các tập đoàn sa thải người làm thuê nhằm tiết kiệm chi phí (“tinh
giản biên chế”) hoặc chuyển các nhà máy ra nước ngoài để có thể thu được
nhiều lợi nhuận hơn. Dân nhập cư, đặc biệt là số lượng lớn từ Mexico, đã bị
lên án giành công ăn việc làm của công dân Mỹ, hưởng trợ cấp của chính
phủ, khiến thuế của các công dân Mỹ tăng cao.
Cả hai đảng chính trị chủ chốt cùng thông qua bộ luật, sau đó được Clinton
ký, nhằm xóa bỏ phúc lợi xã hội (tem lương thực thực phẩm, khoản chi
dành cho người già và người khuyết tật) không chỉ đối với dân nhập cư bất
hợp pháp, mà cả những người hợp pháp. Đầu năm 1997, gần một triệu
người nhập cư hợp pháp nghèo, già cả, hoặc khuyết tật được cảnh báo rằng
phiếu lương thực thực phẩm và các khoản chi trả bằng tiền mặt sẽ bị cắt
trong vòng vài tháng tới, trừ phi họ đã là công dân.
Đối với gần nửa triệu người nhập cư hợp pháp, vượt qua các kỳ kiểm tra để
trở thành công dân hầu như khó thành hiện thực − họ không nói được tiếng
Anh, người thì ốm yếu hoặc khuyết tật hoặc quá già để học. Một người
nhập cư từ Bồ Đào Nha sống tại Massachusetts nói với phóng viên, thông
qua phiên dịch: “Hằng ngày chúng tôi luôn lo sợ có thư thông báo tới.
Chúng tôi biết làm gì nếu như không nhận được những tấm séc? Chúng tôi
sẽ chết đói. Chúa ơi! Sẽ không còn gì đáng sống nữa.”
Những người nhập cư bất hợp pháp chạy trốn cảnh nghèo đói ở Mexico bắt
đầu đối mặt với các biện pháp mạnh vào đầu những năm 1990. Hàng nghìn
lính gác biên giới được bổ sung. Một bản tin của hãng thông tấn Reuters, từ
Mexico City (ngày 3 tháng 4 năm 1997), nói về chính sách cứng rắn này: