LỊCH SỬ DÂN TỘC MỸ - Trang 984

do New York Times và CBS News tiến hành cho thấy có tới 65% cử tri cho
rằng “nhiệm vụ của chính phủ là quan tâm đến những người không thể tự
chăm sóc mình”.

Clinton và những người theo Đảng Cộng hòa đã bắt tay nhau chống lại
“chính phủ lớn”, vốn chỉ tập trung vào các dịch vụ xã hội. Các biểu hiện
khác của chính phủ lớn − hợp đồng khổng lồ với các nhà sản xuất vũ khí và
sự ưu đãi hào phóng đối với các tập đoàn − tiếp diễn ở mức độ cao.

Trên thực tế, “chính phủ lớn” bắt đầu từ thời Những người cha lập quốc,
những người đã cố gắng thiết lập một chính phủ trung ương mạnh mẽ để
bảo vệ lợi ích cho những người nắm giữ trái phiếu quốc gia, giới chủ nô,
các tay đầu cơ đất đai và nhà sản xuất. Trong suốt hai trăm năm tiếp theo,
chính phủ Mỹ tiếp tục phục vụ lợi ích của tầng lớp giàu có và thế lực, thông
qua việc cấp không hàng triệu mẫu đất cho các công ty đường sắt, đặt ra
mức thuế cao để bảo vệ các nhà sản xuất, miễn giảm thuế cho các tập đoàn
dầu lửa, sử dụng lực lượng quân sự để đàn áp các cuộc biểu tình và nổi
loạn.

Chỉ có trong thế kỷ XX, đặc biệt vào những năm 1930-1940, khi bị bao vây
bởi hàng loạt sự phản đối và lo sợ cho sự ổn định của hệ thống, chính phủ
đã phải thông qua các bộ luật dành cho người nghèo, khiến các chính trị gia
và những người đứng đầu các doanh nghiệp than phiền về “chính phủ lớn”.

Tổng thống Clinton cũng đã tái bổ nhiệm Alan Greenspan đứng đầu Hệ
thống Dự trữ Liên bang (FRS), cơ quan điều tiết lãi suất. Mối quan tâm chủ
yếu của Greenspan là làm thế nào tránh “lạm phát”, vấn đề mà những người
nắm giữ trái phiếu quốc gia không hề muốn, vì điều đó có thể làm giảm lợi
nhuận của họ. Quan điểm về tài chính của ông ta là lương cao cho công
nhân sẽ tạo ra lạm phát và ông ta lo sợ nếu nạn thất nghiệp không đủ, lương
sẽ tăng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.