tán dân ta, các ngươi đã giã vào mặt lũ nghèo? Sấm ngôn của Đức Chúa
Yavê các cơ binh.”
Chủ đề thứ hai của Isaiah là ăn năn. Chừng nào có sự thay đổi từ tâm, thì
Đức Chúa Trời luôn tha thứ. “Đi nào, Ta sẽ cùng nhau tranh tụng, Yavê
phán. Khi tội lỗi các ngươi đã như nhiễu điều, hoạ chăng chúng sẽ gột trắng
được như tuyết.” Điều Chúa muốn từ con người là một sự công nhận và
một sự trao đi đổi lại lòng thiêng của người - “Người hô kẻ đáp mà rằng:
Thánh, thánh, thánh, Yavê các cơ binh, khắp đất đầy tràn vinh quang
Người.” - và Isaiah tưởng tượng các thiên thần chạm vào bờ môi con người
bằng một viên than cháy để đốt đi tội lỗi. Và khi người tội lỗi thay đổi tâm
ý, thôi tìm kiếm của cải và quyền lực mà tìm kiếm sự thánh thiêng, thì
Isaiah giới thiệu chủ đề thứ ba: ý tưởng về một kỷ nguyên hoà bình, khi con
người “sẽ rèn gươm thành cày, và giáo mác làm dao quắm. Quốc gia này
không còn tuốt gươm trên quốc gia nọ, và thiên hạ sẽ không còn luyện binh
đao.” Trong kỷ nguyên hoà bình này, “hãy hoan lạc, hỡi sa mạc cùng đất
cạn khô, hoan giao cũng hãy hân hoan, hãy trổ hoa.”
Tuy nhiên, Isaiah không chỉ thuyết giảng một hệ thống đạo đức mới. Xuất
thân từ một dân tộc có tư duy lịch sử, ông nhìn thấy ý chí của Chúa, nhân
và quả, tội lỗi và ăn năn, đi lên theo một đường hướng tuyến tính chắc
chắn, ông mang đến một tầm nhìn tương lai, và đó là tầm nhìn đầy những
nhân vật khác biệt. Lúc này, ông giới thiệu chủ đề thứ tư: ý tưởng không
chỉ về một bước ngoặt tập thể từ tội lỗi mà còn về một nhân vật cứu tinh cụ
thể: “Này, cô nương sẽ thụ thai và sinh con, và bà sẽ gọi tên con là
Immanuel.” Đứa trẻ đặc biệt này sẽ là một tác nhân trong kỷ nguyên hoà
bình: “Bấy giờ sói ở với chiên, beo nằm bên cạnh dê con; bê với sư tử con
nẫy béo một chuồng, và một bé con dẫn chúng đi chăn.” Nhưng ông cũng
sẽ là một người cai trị vĩ đại: “Vì một trẻ đã sinh ra cho ta, một con trai
được ban xuống cho ta; vai Ngài đỡ lấy quyền bính và thiên hạ hô tước
hiệu Ngài: Mưu Sư sự lạ, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an.”