Hebrew, cho sức mạnh trí tuệ và cảm xúc của họ, và cho sự nghiêm túc cao
độ của họ.
Song, Kinh Thánh thời đầu trên hết là một tuyên bố về thần học: một câu
chuyện kể về mối quan hệ trực tiếp, thường là thân mật, giữa những người
lãnh đạo dân chúng với Chúa. Ở đây vai trò của Abraham mang tính quyết
định. Kinh Thánh mô tả ông như tổ tiên trực tiếp của dân tộc Hebrew và là
người sáng lập ra quốc gia của họ. Ông cũng là ví dụ tối thượng về người
tốt và công bằng. Ông yêu chuộng hoà bình (Sáng thế ký 13:8-9), nhưng
cũng sẵn lòng chiến đấu cho các nguyên tắc của mình và cao thượng trong
chiến thắng (14:22), tận tụy với gia đình, hiếu khách với người lạ (18:1),
quan tâm đến phúc lợi của người dân (18:23), và trên hết kính sợ Chúa và
vâng lệnh Chúa (22:12; 26:5). Nhưng ông không phải là một con người
hoàn hảo. Ông là một nhân cách rất người và thật, đôi khi sợ sệt, hoài nghi,
thậm chí đa nghi, tuy cuối cùng luôn trung thành và làm theo chỉ dẫn của
Chúa.
Nếu Abraham là người sáng lập dân tộc Hebrew, thì liệu có phải ông cũng
là người sáng lập tôn giáo Hebrew? Trong Sáng thế ký, ông có vẻ như khởi
đầu mối quan hệ đặc biệt của người Hebrew với một Chúa duy nhất và toàn
năng. Không rõ liệu ông có thể được gọi một cách chính xác là người độc
thần đầu tiên hay không. Chúng ta có thể bỏ qua ý niệm kiểu Hegel của
Wellhausen về người Do Thái mà Abraham là biểu tượng, để thoát khỏi quá
khứ sa mạc nguyên thủy của họ. Abraham là một người quen thuộc với các
thành phố, các khái niệm pháp lý phức tạp và các ý tưởng tôn giáo mà vào
thời của chúng là rất tinh vi. Sử gia Do Thái vĩ đại Salo Baron coi Abraham
là người độc thần đầu tiên, đến từ một trung tâm có tục thờ mặt trăng đang
biến thành một dạng thô sơ của chủ nghĩa độc thần. Chẳng hạn, tên của
nhiều người trong gia đình ông, Sarah, Micah, Terah, Laban, có liên hệ với
tục thờ mặt trăng này.
Trong Sách Joshua có một phần bí hiểm nhắc đến tổ
tiên sùng bái của Abraham: “Têrakh cha của Abraham… phụng sự các thần
khác.”
Sách Isaiah, khi tái hiện một truyền thống cổ xưa vốn không được