ghi lại trong Kinh Thánh, nói rằng Chúa “đã chuộc Abraham.”
Sự di
chuyển của các dân tộc Semit về phía tây, dọc theo vòng cung lưỡi liềm phì
nhiêu, thường được mô tả là một sự trôi dạt dưới áp lực của các thế lực
kinh tế. Nhưng quan trọng phải hiểu rằng sự thôi thúc của Abraham là tôn
giáo: Ông đáp lại một thôi thúc mà ông tin là đến từ một Chúa vĩ đại, toàn
năng, có mặt ở khắp nơi. Có thể cho rằng, tuy khái niệm độc thần không
phát triển đầy đủ trong đầu ông, song ông là người nỗ lực để đạt được khái
niệm đó, và rời bỏ xã hội Lưỡng Hà vì nó đã chạm tới một ngõ cụt tâm
linh.
Có lẽ Abraham nên được mô tả như một người độc thần là chính xác nhất:
một người tin vào một Chúa duy nhất, gắn bó với một dân tộc cụ thể, tuy
nhiên cũng công nhận sự gắn bó của các chủng tộc khác với các vị thần của
riêng họ. Với phẩm chất này, ông là người sáng lập văn hóa tín ngưỡng
Hebrew, vì ông khởi sự hai đặc tính quan trọng nhất của nó: giao ước với
Chúa và sự dâng hiến vùng đất. Khái niệm giao ước là một khái niệm đặc
biệt, không có thứ gì tương đương ở Cận Đông cổ đại. Đúng là giao ước có
tính cá nhân của Abraham với Chúa vẫn chưa đạt được mức độ tinh vi như
giao ước của Moses thay mặt toàn thể một dân tộc. Nhưng những gì cơ bản
nhất đều có ở đó: một hợp đồng phục tùng để đổi lấy đặc ân, ngụ ý lần đầu
tiên trong lịch sử về sự tồn tại của một Chúa đạo đức, người hành động như
một kiểu quốc vương lập hiến nhân từ chịu ràng buộc từ những thỏa thuận
chính trực của mình.
Câu chuyện trong Sáng thế ký, với các đối thoại rải rác giữa Abraham với
Chúa, gợi lên một điều rằng Abraham hiểu ra và chấp nhận tác động to lớn
trong giao ước của mình một cách từ từ, một ví dụ về cách mà theo đó ý chí
của Chúa đôi khi được tiết lộ theo các giai đoạn tăng tiến. Sự thật cuối cùng
được mang tới nhà Abraham, như được mô tả trong Sáng thế ký 22, là khi
Chúa thử thách Abraham bằng cách ra lệnh cho Abraham hiến sinh Isaac
đứa con trai duy nhất của mình.
Đoạn này là một cột mốc quan trọng trong
Kinh Thánh, cũng như là một trong những đoạn kịch tính và khó hiểu nhất