suốt cuộc chiến và (như chúng ta thấy) đã giết gần một nửa số nạn nhân Do
Thái, song tuyên bố của phe Đồng minh vào tháng 11 năm 1943 ở Moscow
xếp Áo là “quốc gia tự do đầu tiên trở thành nạn nhân cuộc tấn công của
Hitler.” Áo do đó được miễn trách nhiệm bồi thường tại Hội nghị Potsdam
sau chiến tranh. Vì không có trách nhiệm pháp lý nên tất cả các đảng phái
Áo tham gia vào một thỏa thuận để trốn cả trách nhiệm đạo đức, và còn đòi
được là nạn nhân. Như lời Đảng Xã hội chủ nghĩa Áo (1946): “Áo không
phải là bên phải bồi thường. Mà đúng ra Áo là bên phải được bồi thường.
“Phe Đồng minh yêu cầu Áo thông qua một đạo luật tội phạm chiến tranh,
nhưng Áo thậm chí còn không lập ra một cơ quan truy tố để thực thi luật
cho tới tận năm 1963. Dù vậy, nhiều người được ân xá theo sắc lệnh và
những phiên xử thường dẫn đến tha bổng. Người Do Thái đòi bồi thường
thì được bảo là nộp đơn cho Đức, trừ phi họ có thể thực sự xác định được
tài sản trước đây của họ ở Áo; và rất ít người nhận được nhiều nhất 1.000
đôla tiền bồi thường.
Có một nỗ lực tuy muộn màng nhưng dù sao cũng đáng hoan nghênh của
các giáo hội Kitô nhằm bồi thường về mặt đạo đức. Trong nhiều thế kỷ, cả
chủ nghĩa bài Do Thái Kitô lẫn chủ nghĩa bài Do Thái Luther đã góp phần
vào sự thù ghét Do Thái mà sau này đã trở thành chủ nghĩa Hitler. Không
giáo hội nào từng cư xử tốt trong chiến tranh. Nhất là Giáo hoàng Pius XII
đã không hề lên án Giải pháp Cuối cùng dù ông biết về nó. Một hay hai
tiếng nói lạc lõng đã cất lên thay mặt người Do Thái. Cha Bernhard
Lichtenberg, từ nhà thờ Công giáo Hedwig ở Berlin, công khai cầu nguyện
cho người Do Thái năm 1941. Căn hộ của ông bị lục soát và tìm thấy các
ghi chép cho một bài thuyết giáo chưa được giảng, trong đó ông dự định
nói với giáo đoàn của mình rằng họ không nên tin là có một âm mưu Do
Thái nhằm giết hết người Đức. Vì việc này ông bị phạt hai năm tù, và khi
được thả ông được lệnh đến Dachau. Đây dường như là trường hợp duy
nhất kiểu này. Trong số các nhân chứng của Judenrazzia
ở Rome vào ngày
16 tháng 10 năm 1943, có một thầy tu Dòng Tên là Augustin Bea, đến từ
Baden ở Đức và là linh mục giải tội của Pius XII. Hai mươi năm sau, thời