bằng chứng cho thấy cuộc bố ráp được thiết kế nhằm mục đích này. Nhưng
cùng với các yếu tố khác, nó làm giảm dân số Ả-rập của quốc gia mới
xuống chỉ còn 160.000 người. Điều đó rất thuận tiện.
Mặt khác, có những người Do Thái được khuyến khích hoặc buộc phải bỏ
chạy khỏi các quốc gia Ả-rập, những nơi mà trong một số trường hợp, các
cộng đồng Do Thái đã tồn tại 2.500 năm. Năm 1945, có trên 500.000 người
Do Thái sống trong thế giới Ả-rập. Từ khi cuộc chiến nổ ra ngày 15 tháng 5
năm 1948 đến khi kết thúc năm 1967, đại đa số phải trốn tránh ở Israel:
252.642 người từ Morocco, 13.118 từ Algeria, 46.255 từ Tunisia, 34.265 từ
Libya, 37.867 từ Ai Cập, 4.000 từ Lebanon, 4.500 từ Syria, 3.912 từ Aden,
124.647 từ Iraq và 46.447 từ Yemen. Với tổng số 567.654 người, người tị
nạn Do Thái từ các nước Ả-rập do đó không ít hơn về số lượng so với
người tị nạn Ả-rập từ Israel.
Khác biệt trong việc tiếp nhận và đối xử với
họ hoàn toàn là vấn đề chính sách. Chính phủ Israel tái định cư có hệ thống
tất cả người tị nạn Do Thái như là một phần trong chính sách ngôi nhà quốc
gia của mình. Các chính phủ Ả-rập, với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, đã
giữ người tị nạn Ả-rập trong các trại, trong khi chờ đợi một cuộc tái chinh
phạt Palestine, một điều không bao giờ diễn ra. Vì thế, do quá trình tăng
dân số tự nhiên nên con số người tị nạn Ả-rập cuối những năm 1980 nhiều
hơn con số của 40 năm trước đó.
Thái độ tương phản về người tị nạn bắt nguồn từ cách tiếp cận đàm phán
hoàn toàn khác nhau. Người Do Thái trong hai thiên niên kỷ đã là một thiểu
số bị đàn áp, họ chưa bao giờ được tự do lựa chọn vũ lực. Do đó, họ thường
xuyên phải đàm phán, thường là để vừa đủ tồn tại, và gần như luôn ở thế rất
yếu. Trải qua nhiều thế kỷ, họ đã không chỉ phát triển kỹ năng đàm phán
mà còn cả một triết lý đàm phán. Họ đàm phán trong những điều kiện
tưởng như không thể, và họ đã học cách chấp nhận một vị thế được dàn
xếp, cho dù có thấp và thiệt thòi đến đâu, vì biết rằng vị thế đó sau này có
thể được cải thiện thông qua các cuộc đàm phán tiếp theo cũng như nhờ
vào nỗ lực của chính họ. Tầm quan trọng tối thượng của thỏa thuận thay vì