nhà nước. Vì trong việc quấy rối người Do Thái, nhà nước Nga Sa hoàng
trở nên quen với một hệ thống kiểm soát gắt gao, đàn áp và cực kỳ quan
liêu. Nó kiểm soát những di chuyển nội bộ và tình hình cư trú của người Do
Thái, quyền được đi học phổ thông hoặc đại học và những gì họ học ở
trường, được làm công việc chuyên môn hoặc tham gia viện nghiên cứu,
được bán sức lao động của mình, được khởi nghiệp kinh doanh hay thành
lập công ty, được thờ cúng, được thuộc về các tổ chức và tham gia vào một
danh sách bất tận các hoạt động khác. Hệ thống này kiểm soát một cách
ghê gớm và toàn diện cuộc sống của một nhóm thiểu số thiệt thòi không
được yêu thích, xâm phạm tàn nhẫn đối với nhà cửa và gia đình họ. Nó trở
thành một mô hình quan liêu, và khi các Sa hoàng hồi đầu được thay bằng
Lenin rồi Stalin, thì việc kiểm soát người Do Thái được mở rộng thành
kiểm soát toàn bộ dân số, trở thành một mô hình trọn vẹn.
Việc Stalin sử dụng chủ nghĩa bài Do Thái trong các cuộc tranh giành vị trí
lãnh đạo những năm 1920 và các cuộc thanh trừng những năm 1930 điển
hình cho tính cách của ông. Thời chiến tranh, việc ông lập ra ủy ban Do
Thái Chống Phát xít và cho xuất bản tờ tạp chí tiếng Yiddish Aynikayt
(Thống nhất) chỉ là các động thái chiến thuật. Con gái của Stalin, Svetlana,
đã mô tả các mối quan hệ cá nhân của ông với người Do Thái. Ông có một
số người Do Thái trong nội bộ mình, trong đó có quan chức Bộ Ngoại giao
Solomon Lozowsky. Khi Svetlana, 17 tuổi, yêu một kịch tác gia Do Thái,
Stalin đã cho trục xuất người này. Sau này, Svetlana cưới một người Do
Thái, Gregory Morozov. Cha cô buộc tội chồng cô trốn nghĩa vụ quân sự:
“Người ta đang bị bắn chết và hãy nhìn anh ta xem - anh ta chỉ ngồi nhà.”
Con trai cả của Stalin là Yakov cũng lấy một phụ nữ Do Thái làm vợ, và
khi anh này bị bắt làm tù binh, Stalin cho rằng cô ta đã phản bội chồng
mình. “Ông ấy không bao giờ ưa người Do Thái,” Svetlana viết, “mặc dù
hồi đó ông ấy chưa thẳng thừng thể hiện sự thù ghét của mình đối với họ
như sau chiến tranh.”