Solomon lợi dụng sự bối rối này để đẩy mạnh cuộc cải cách tôn giáo của
mình theo hướng chuyên chế hoàng gia, trong đó vua kiểm soát điện thờ
duy nhất mà trên thực tế Chúa có thể được thờ ở đó. Trong Chương 8 Sách
Các Vua quyển 1, Solomon nhấn mạnh rằng Chúa ở trong Ngôi đền: “Vậy
mà tôi đã được xây lãnh điện cho Người, làm tòa Người ngự cho đến muôn
đời.” Nhưng Solomon không phải là một người ngoại đạo thuần túy như
điều này ngụ ý, vì nếu vậy ông sẽ chẳng mất công cấm người vợ ngoại đạo
của mình vào khu vực linh thiêng làm gì. Ông hiểu hệ thống thần học trong
tôn giáo của mình, vì ông hỏi: “Họa chăng là Thiên Chúa lại ở dưới đất?
Kìa trời và thượng đỉnh tầng trời không tài nào chứa nổi Người, huống hồ
là cái Nhà này tôi đã xây lên!” ông thỏa hiệp giữa các nhu cầu nhà nước
của mình với hiểu biết của ông về chủ nghĩa độc thần của người Do Thái,
bằng cách giả định rằng có sự hiện diện không phải vật chất mà có tính
biểu tượng của Chúa: “Nguyện xin mắt Người mở trên Nhà này đêm ngày,
trên chỗ mà Người đã phán: Danh Ta sẽ ở đó.” Đây là cách mà các thế hệ
về sau sẽ lồng ghép Ngôi đền với đức tin, chỉ nguyên sự hiện diện của cái
tên Chúa trong đền thôi đã tạo ra một bức xạ thánh thần mạnh mẽ, gọi là
shekhinak, hủy diệt bất cứ người nào lại gần nó mà không được phép.
Nhưng lúc đó, ý niệm về một ngôi đền trung tâm, hoàng gia bị nhiều người
Do Thái theo chủ nghĩa thuần khiết phản đối. Họ lập ra giáo phái ly khai
đầu tiên trong nhiều giáo phái ly khai mà tôn giáo Yahweh tạo ra, giáo phái
Rechab.
Nhiều người miền bắc cũng bực tức về việc tập trung tín ngưỡng
ở Jerusalem và Ngôi đền hoàng gia của nó, vì giới tu sĩ phụng sự nó nhanh
chóng đưa ra yêu cầu chuyên chế, tuyên bố rằng chỉ có những nghi lễ của
họ mới có giá trị, còn các điện và đền cổ hơn, các nơi thờ cúng trên đồi cao,
các ban thờ được sùng kính từ thời tổ phụ đều là sào huyệt của tư tưởng phi
chính thống và đồi bại. Những lời tuyên bố này cuối cùng đã thắng thế và
trở thành tư tưởng chính thống trong Kinh Thánh. Nhưng lúc đó, chúng lại
gặp phải sự phản đối ở phía bắc.