Bất kể những tội lỗi và khiếm khuyết trong giáo hội ngày nay và trong
lịch sử, tín hữu Kitô được mời gọi không phải để chỉ trích hay kết án giáo
hội, nhưng để yêu quý giáo hội như Ðức Giêsu. Là phần tử của giáo hội,
chính chúng ta cũng là kẻ tội lỗi. Tuy nhiên Ðức Giêsu đã yêu thương
chúng ta để chết cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khuyết
điểm. Ðối với toàn thể giáo hội cũng vậy. Bất kể tội lỗi của giáo hội, Ðức
Giêsu yêu thương và chăm sóc giáo hội như Hiền Thê của Người. Thiên
Chúa đang thanh tẩy và canh tân dân Người, giáo hội của Người. Cùng với
Ðức Hồng Y Suenens, mỗi một người chúng ta phải nói lên rằng: “Tôi yêu
quý giáo hội, đầy vết nhăn và đủ mọi thứ!” Chúng ta yêu quý giáo hội, bất
kể những bất toàn, vì Ðức Giêsu Kitô đã yêu thương giáo hội và đã chết để
cứu chuộc dân Người.
Khi đề cập đến “giáo hội,” chúng ta muốn nói gì? Chúng ta muốn nói
đến Giáo Hội Công Giáo hay giáo hội hoàn vũ bao gồm tất cả những người
tin vào Ðức Giêsu Kitô? Trong hạn hẹp của một vài chương sách, chúng ta
không thể trả lời cách đầy đủ, nhưng có thể nhìn đến bốn đặc tính hay “dấu
tích” căn bản của giáo hội được đề cập đến trong Kinh Tin Kính Nicene
(381): “Chúng tôi tin một giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông
truyền.” Trong khi tin tưởng vào giáo hội và khi nhìn lại lịch sử giáo hội
trong những chương sau này, chúng ta sẽ hiểu biết hơn ý nghĩa của chữ
“giáo hội” theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo.
Giáo Hội Duy Nhất
Các tác giả Tân Ước hiểu rằng chỉ có một giáo hội, một dân Chúa thời Tân
Ước. Mặc dù Thánh Phaolô Tông Ðồ viết cho “các giáo hội ở Galát” (Gal
1:2) hoặc “giáo hội của Chúa ở Corintô” (1 Cor. 1:2), người biết rằng
những nơi tụ tập của người Kitô địa phương chỉ là các phần tử của một giáo
hội của Ðức Giêsu Kitô, cũng giống như một công ty độc nhất nhưng có
nhiều chi nhánh khác nhau ở nhiều nơi. Chính Thánh Phaolô là người bảo
vệ sự hợp nhất của giáo hội. Người khiển trách Kitô Hữu ở Côrintô vì chia
năm xẻ bảy và đi theo các nhà lãnh đạo khác nhau (1 Cor. 1:10-13). Người