Giáo Hội Công Giáo luôn nhấn mạnh đến sự duy nhất hoặc hiệp nhất
của giáo hội. Chúng ta hiểu sự hiệp nhất này trong cả hai ý nghĩa, sự hiệp
nhất vô hìnhcủa đức ái, “sự hiệp nhất của Thần Khí”, và sự hiệp nhất hữu
hình được tỏ lộ qua hình thức bên ngoài của giáo hội: tỉ như các vị lãnh
đạo, các công thức tuyên tín và các tín điều khác, và các bí tích. Quyền
bính và các vị lãnh đạo trong giáo hội là một ơn sủng của Thiên Chúa để
bảo vệ và duy trì sự hiệp nhất hữu hình của giáo hội. Người Công Giáo tin
rằng Ðức Giêsu muốn một giáo hội hiệp nhất cả về tinh thần lẫn sự biểu lộ
bên ngoài. Thành quả vô hình của đức ái và Thần Khí tạo nên sự hiệp nhất
hữu hình bề ngoài giữa những người dân của Chúa.
Giáo Hội Công Giáo
Chúng ta vừa thấy nguyên thủy chỉ có một giáo hội của Ðức Giêsu Kitô.
Chữ “công giáo” đầu tiên được dùng để chỉ về giáo hội này trong thư của
Thánh I-nha-xiô ở Antiôkia, vị tử đạo và giám mục thời tiên khởi. Người
viết thư ấy trên đường đến Rôma để được tử đạo năm 110: “Ở đâu có đức
giám mục, ở đó giáo đoàn hãy tụ tập lại, cũng như ở đâu có Ðức Giêsu
Kitô, ở đó có giáo hội công giáo.” Ðiều người muốn nói là cũng như giáo
hội địa phương tìm thấy điểm hiệp nhất hữu hình của mình nơi vị giám
mục, thì toàn thể giáo hội, giáo hội công giáo, tìm thấy điểm hiệp nhất nơi
Ðức Giêsu Kitô. Do đó, câu “giáo hội công giáo” ban đầu có nghĩa “toàn
thể giáo hội” hoặc “giáo hội hoàn vũ” — giáo hội của Ðức Giêsu Kitô phát
triển trên toàn thế giới. Câu “giáo hội công giáo” còn để chỉ về một giáo
hội dạy dỗ toàn bộ chân lý của Kitô Giáo. Do đó “Công Giáo” trở nên đồng
nghĩa với “chính truyền” — bao gồm tất cả chân lý Kitô Giáo.
Ngày nay cũng vậy, giáo hội của Ðức Giêsu Kitô thực sự là “công
giáo”. Giáo hội hoàn vũ. Giáo hội bao gồm mọi dân tộc, mọi quốc gia, và
mọi văn hóa. Giáo hội bao gồm toàn bộ chân lý của Kitô Giáo. Dân Chúa
thời Tân Ước là một dân tộc bao gồm tất cả những ai tin vào tin mừng của
Thiên Chúa được bày tỏ qua Ðức Giêsu Kitô.