Tuy nhiên, chúng ta biết ngày nay chữ “công giáo” cũng để chỉ về một
tổ chức đặc biệt của những người tin vào Ðức Giêsu, đó là “Giáo Hội Công
Giáo”. Tại sao có chuyện như vậy? Trong thế kỷ thứ hai và thứ ba, khi Kitô
Giáo lan tràn khắp đế quốc Rôma và lan ra cả bên ngoài, một số tổ chức
nhỏ bắt đầu bất đồng với các tín điều hoặc đường lối của giáo hội hoàn vũ.
Những tổ chức này, như Montanô (chủ trương khắc khổ và cấm tái hôn),
Gnostic (tri thức giáo), Nôvatianô (cấm tha tội trọng), Ðônatô, v.v., tự coi
mình là giáo hội thật của Ðức Giêsu Kitô vì họ nghĩ chỉ có họ mới trung
thành với giáo huấn và đường lối Kitô Giáo đích thực. Ðể phân biệt với các
tổ chức nói trên, danh xưng “giáo hội công giáo” bắt đầu được áp dụng cho
giáo hội hoàn vũ rộng lớn hơn. Như thế, “Công Giáo” được dùng như một
danh xưng chính thức cho thành phần Kitô Hữu hoàn vũ phát triển trên toàn
thế giới, và cũng bao gồm toàn bộ chân lý Kitô Giáo. Một thí dụ để chứng
minh điều này là lời cầu nguyện của Thánh Mônica, mẹ của Thánh
Augustine, một người xuất chúng sinh ở Bắc Phi Châu năm 354. Khi
Augustine còn đắm chìm trong sự đời, Thánh Mônica liên lỉ cầu xin cho
con mình sẽ trở thành một “Kitô Hữu Công Giáo” trước khi bà chết. Và lời
cầu xin ấy đã được Chúa nhận lời. Không những Augustine là một Kitô
Hữu “Công Giáo” mà người còn là một giám mục và là thần học gia nổi
tiếng của Giáo Hội Công Giáo.
Ngày nay, người Công Giáo nhìn về lịch sử Giáo Hội và nhận thức
rằng nếu chỉ có một giáo hội của Ðức Giêsu Kitô thì giáo hội ấy phải là
công giáo hay hoàn vũ: bao gồm mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia
và văn hóa, và dạy dỗ toàn bộ chân lý Kitô Giáo. Giáo Hội Công Giáo có
đặc tính vừa kể, là một thành phần rộng lớn nhất và bao quát nhất của Kitô
Hữu trên toàn thế giới và bao gồm các chân lý Kitô Giáo đích thực.
Giáo Hội Thánh Thiện
Chúng ta muốn nói gì khi tuyên xưng một giáo hội thánh thiện? Nhiều
người cho rằng điều đó có nghĩa giáo hội thì hoàn hảo hoặc không tội lỗi.