Mặc dù trong thế kỷ này, đức giám mục của Constantinople ngày càng gia
tăng thẩm quyền và được coi như các “thượng phụ” (hoặc trưởng giám
mục) của Ðông Phương hay các giáo hội nói tiếng Hy Lạp, nhưng không
một quyết định nào có thể ràng buộc Giáo Hội Công Giáo mà không có sự
chấp thuận của giám mục Rôma.
Nhưng chúng ta sẽ thấy, sự can trường và thẩm quyền của đức giáo
hoàng và các giám mục sẽ bị thử thách nặng nề trong thế kỷ thứ năm bởi
các tranh luận về thần học và bởi Ðế Quốc Rôma bị xâm lăng.
Thế Kỷ Thứ Năm: Vấn Ðề Ðức Tin Và Những Liên Kết Mới Về
Chính Trị
Thế kỷ thứ năm bắt đầu bằng sự chia cách thực sự giữa các đế quốc của
Ðông Phương (nói tiếng Hy Lạp) và Tây Phương (nói tiếng Latinh). Chúng
ta có thể nhắc lại lịch sử của mỗi miền một cách riêng biệt. Vào năm 410,
Tây Phương bị rúng động bởi hành động xâm lấn của bộ lạc người
Visigoth. Dần dà, các bộ lạc khác như Vandal và Hun cũng đã xâm lấn các
phần đất của Ðế Quốc Tây Phương, cho đến khi họ hoàn toàn kiểm soát
Tây Phương vào năm 476. Khi thế lực chính trị của Rôma tan rã, đức giáo
hoàng và các giám mục bắt đầu phải dẫn dắt và bảo vệ dân Chúa về phương
diện vật chất cũng như tinh thần. Có lẽ vị lãnh đạo Giáo Hội can đảm nhất
là Ðức Lêô I, là giáo hoàng từ 440 đến 461, người đã can gián Attila người
Hun đừng xâm lăng Rôma, và đã thuyết phục Geneseric người Vandal dù
cướp bóc Rôma nhưng đừng tàn phá thành phố này. Vào thế kỷ thứ sáu và
thứ bảy, “điểm vui mừng” là Kitô Hữu bắt đầu tìm cách đưa những người
theo lạc giáo Arian trở về với Công Giáo. Giáo Hội thường “chiến thắng
những kẻ chinh phục” theo phương cách này - đó là sự hoán cải.
Sự thử thách về phương diện thần học của Giáo Hội Tây Phương trong
thời gian này là ảnh hưởng của phe Pelagius. Pelagius là một đan sĩ người
Anh cho rằng bản tính loài người không bị hư hỏng bởi tội nguyên tổ. Do
đó, người ta không cần ơn Chúa để xa lánh tội lỗi nhưng chỉ cần sống tốt
lành, như Ðức Giêsu. Giáo Hội Tây Phương nhận định rằng Pelagius đã sai