Phương, vua Leo III thấy việc “thờ ảnh tượng” đã bị cấm chỉ trong Phúc
Âm, do đó ông ra lệnh phá hủy tất cả các ảnh tượng. Ðức Giáo Hoàng
Grêgôriô III và nhiều Kitô Hữu Ðông Phương phản đối điều này, nhưng
phải đợi đến khi Hoàng Hậu Irene triệu tập Công Ðồng Nicaea II (là công
đồng thứ bảy) năm 787 thì việc sùng kính ảnh tượng mới được cho phép.
Công đồng này phân biệt giữa sự sùng kính ảnh tượng thánh và sự thờ
phượng, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Giáo Hội Công Giáo Rôma
luôn luôn đồng ý với điều này, và thường dùng các hình ảnh, tranh vẽ, kính
mầu, tượng điêu khắc để dạy bảo và nhắc nhở giáo dân về các chân lý đức
tin. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô từng viết, “Hình ảnh là sách của giáo dân,”
vì đa số dân chúng thời ấy không có học.
Thế Kỷ Thứ Chín
Ngay từ đầu thế kỷ thứ chín dường như đã có nhiều triển vọng cho Kitô
Giáo Tây Phương. Charlemagne áp đặt đức tin trên các người bị đô hộ ở
miền bắc và miền trung Âu Châu, dần dà dân chúng yêu quý Kitô Giáo và
từ bỏ những hủ tục của quá khứ ngoại giáo. Các giáo hoàng cũng gia tăng
ảnh hưởng, và sau khi Charlemagne từ trần, con của ông là Louis de Pious,
công bố rằng quyền bính của vua thì tùy thuộc đức giáo hoàng. Con của
Louis là Lothar được tấn phong ở Rôma năm 823, và sau đó tất cả các nhà
cầm quyền của Ðế Quốc La Mã Thánh Thiện đều được tấn phong ở Rôma.
Ðức Giáo Hoàng Nicôla I (858-67), vị giáo hoàng thế lực nhất thế kỷ,
tuyên bố rằng nhiệm vụ của hoàng đế là bảo vệ Giáo Hội Công Giáo Rôma
chứ không phải cai trị giáo hội. Không may, thế lực của hoàng đế suy yếu
dần vì các khó khăn nội bộ và vì sự xâm lăng của người Viking từ phương
bắc, người Hungari từ phương đông, và người Hồi Giáo Saracen từ phương
nam. Sự hiệp nhất và nền hòa bình của đế quốc rộng lớn mà Ðại Ðế
Charles khổ công xây dựng đã bắt đầu tan rã, và Âu Châu đắm chìm trong
thời kỳ phong kiến — lục địa bị phân chia thành các nước nhỏ bé tranh
giành nhau để sống còn và chém giết lẫn nhau.