chứng minh rằng Giáo Hội thực sự muốn canh tân và đã thể hiện được điều
đó.
4. Thần Học và Giáo Dục
Nếp sống mới trong đan viện và các trường địa phận đem lại đời sống mới
cho Giáo Hội qua nhiều phương cách. Kiểu kiến trúc vuông vức, thoáng
rộng của Rôma đã nhường chỗ cho các thánh đường kiểu Gôtích với ngọn
tháp cao chót vót. Hình ảnh Ðức Kitô là vua được thay thế bằng hình ảnh
Ðức Kitô đau khổ trên thập giá, có lẽ phản ánh một đời sống cam go và
nhiều bất trắc trong giai đoạn này. Sự đạo đức của người dân có tính cách
riêng tư và cá biệt hơn, và việc sùng kính các thánh nhất là Ðức Maria, Mẹ
Thiên Chúa, bắt đầu triển nở. Việc thờ phượng ngày càng hướng về Thánh
Thể, nhất là sự hiện diện thực sự của Ðức Kitô trong Mình Thánh mà tín
điều này đã được nhiều công đồng xác nhận. Danh từ “biến thể” bắt đầu
được sử dụng để diễn tả sự thay đổi của bánh và rượu trở nên Mình và Máu
Ðức Kitô trong hình thức bí tích. Tuy nhiên, Giáo Hội thời Trung Cổ chú
trọng đến sự chiêm ngưỡng Mình Thánh hơn là rước Thánh Thể vào trong
lòng. Thánh Lễ mang đặc tính của một vở tuồng để nhìn xem, một tấn bi
kịch, thay vì một bữa tiệc chung của mọi người.
Thế kỷ mười hai cũng ghi dấu sự hình thành của thần học Kinh Viện.
Lý trí được sử dụng để hiểu biết các mầu nhiệm về đức tin và thần học. Các
thần học gia muốn tạo thành một tổng hợp bao gồm các tín điều trong Phúc
Âm, các văn bản của các Giáo Phụ tiên khởi và triết học. Họ tin rằng, đức
tin và lý lẽ không thể trái ngược nhau mà phải bổ sung cho nhau.
Ðứng đầu các thần học gia vĩ đại trong thế kỷ này là Thánh Anselm ở
Canterbury (1033-1109), là cha đẻ của Học Thuyết Kinh Viện. Sau này
xuất hiện một người tài giỏi, nhưng hơi kỳ dị là Peter Abelard, mà những
sai lạc của ông đã bị bài bác bởi Thánh Bernard ở Clairvaux và Peter
Lombard. Cuốn Luận Ðề Thần Học của Peter Lombard là một phương
pháp được coi là tiêu chuẩn giáo khoa về thần học trong suốt thế kỷ mười
ba. Cũng cần đề cập đến Gratian, một đan sĩ Camaldolese mà công trình