Giáo. Sau khi được giáo dục kỹ lưỡng, I-Nhã đã tuyển sáu người để thành
lập một tu hội — trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo
nổi tiếng. Bất kể những nghi ngờ thường xuyên của Tòa Thẩm Tra, sau
cùng tu hội của I-Nhã đã được đức giáo hoàng chuẩn nhận. Vâng phục
Giáo Hội Công Giáo và đức giáo hoàng là đặc điểm của Dòng Tên. Nhà
dòng khởi sự bằng việc giáo dục người mù chữ và người nghèo, nhưng sau
đó vài năm nhà dòng dạy cả các thái tử và vua quan. Các tu sĩ Dòng Tên
cũng là các nhà truyền giáo vĩ đại; Thánh Phanxicô Xaviê đã đem Tin
Mừng đến cho Ấn Ðộ và Nhật Bản năm 1541. Sau này, việc bảo vệ đức tin
là công việc chính của các cha Dòng Tên. Thánh Phêrô Canisius ở Ðức đã
viết sách giáo lý Công Giáo đến nỗi người Tin Lành cũng phải khen ngợi.
Thánh Robert Bellarmine là một thần học gia nổi tiếng và là người hướng
dẫn cuộc canh tân của Công Ðồng Triđentinô. Sau cùng, cuốn Rèn Luyện
Tâm Linh của Thánh I-Nhã trở thành kinh điển của linh đạo Kitô Giáo và là
nền tảng cho các cuộc tĩnh tâm của Dòng Tên cũng như để nhận thức tâm
linh.
Mặc dù Dòng Tên trở nên dòng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của
cuộc cải cách Công Giáo, nhiều nhà dòng khác cũng góp phần canh tân
Giáo Hội Công Giáo. Trong số này có Dòng Capuchin — một nhánh biến
cải của Dòng Phanxicô và chỉ đứng sau Dòng Tên về sự ảnh hưởng —
Dòng Thêatinô, Dòng Sômasca, và Dòng Thánh Phaolô (Barnabites). Các
dòng tu nữ, như các nữ tu Ursulin (1535), cũng có ảnh hưởng trong sự canh
tân Giáo Hội, cũng như các hội dòng (Oratory) — là nhóm người cùng chí
hướng để cầu nguyện và phục vụ mà trong đó có cả giáo dân. Hội dòng của
Thánh Philip Nêri, thành lập ở Rôma năm 1517, rất nổi tiếng và rất có kết
quả. Thánh Philip Nêri, vị thánh vui vẻ, quan thầy của giới trẻ và là nguồn
cảm hứng cho mọi Kitô Hữu.
2. Công Ðồng Canh Tân: Công Ðồng Triđentinô (1545 - 1563) và
Các Hậu Quả