Một cách tổng quát, thời cận đại là thời kỳ Kitô Giáo ngày càng bị gò ép
không được bày tỏ công khai và ít có ảnh hưởng trong sinh hoạt chính trị,
văn hóa, và trí thức ở Tây Phương. Kitô Giáo chưa bị loại bỏ nhưng bị hạ
cấp xuống mức độ sinh hoạt cá nhân. Tiến trình tư hữu hóa tôn giáo và loại
bỏ tôn giáo ra khỏi sinh hoạt chung của xã hội (kể cả chính trị, triết lý, khoa
học, văn chương, nghệ thuật, truyền thông, và các khía cạnh khác) được gọi
là tục hóa. Tiến trình này vẫn tiếp tục, nhưng nó bắt nguồn từ thời đại được
gọi là Khai Sáng của thế kỷ mười bảy và mười tám. Khi tiếp tục trình bầy
đời sống Giáo Hội Công Giáo từ thời kỳ này cho đến nay, chúng ta sẽ để ý
đến phản ứng của Công Giáo đối với thời Khai Sáng và thế giới cận đại.
Từ 1650 đến Cách Mạng Pháp (1789)
1. Hấp Lực của Lý Lẽ
Trong một phương cách nào đó, chính tình trạng Kitô Giáo trong thế kỷ
mười sáu và mười bảy đã đưa đến thời Khai Sáng. Người dân Âu Châu đã
quá mệt mỏi vì chiến tranh tôn giáo, và một số triết gia lý luận rằng căn bản
duy nhất để phục hồi sự hợp nhất và hòa bình cho Âu Châu là tìm ra một sự
ưng thuận chung, hoặc trong lý lẽ hoặc trong một “tôn giáo hợp lý” không
còn các giáo điều gây chia rẽ. Immanuel Kant (1724-1804) viết, “Hãy can
đảm dùng đến lý lẽ của bạn — đó là châm ngôn của thời khai sáng.” Một
số triết gia, tỉ như Gottfried Leibniz của Ðức (1646-1716), rất lạc quan về
viễn ảnh của một “tôn giáo hợp lý” để tái hợp nhất Âu Châu. Huân tước
Herbert ở Cherbury đưa ra năm đề nghị làm nền tảng cho tôn giáo mới của
lý lẽ, thường được gọi là Deism (Thuyết Hữu Thần). Theo những người
chủ trương, Thiên Chúa lập ra các quy tắc của vũ trụ và để nó chuyển động
— như người thợ đồng hồ lên giây cót — nhưng sau đó, Ngài không trực
tiếp can thiệp đến sự vận hành của tạo vật. Dĩ nhiên, chủ trương này trái
ngược với sự tin tưởng của Kitô Giáo vào sự mặc khải, các phép lạ của
Thiên Chúa, và sự nhập thể của Chúa Giêsu Kitô. Tuy vậy, một số người
theo thuyết hữu thần vẫn tự nhận họ là Kitô Hữu.