Ðời sống Công Giáo tiếp tục, nhưng trong thế kỷ mười tám, uy tín và
ảnh hưởng của Giáo Hội ở mức độ thấp nhất. Các giáo hội Tin Lành bắt
đầu công cuộc truyền giáo ở khắp nơi (điều này nhờ ở sự suy tàn quyền lực
của Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Pháp). Thách đố của các triết gia Khai
Sáng chưa được thần học gia Công Giáo giải đáp cách thoả đáng thì lại có
nhu cầu cải tổ và canh tân các dòng tu Công Giáo. Trong điều kiện ấy, Giáo
Hội Công Giáo ở Pháp, từng bị thử thách bởi các phong trào Gallicanism,
Jansenism, Quietism, và việc đàn áp Dòng Tên, giờ đây lại bị thử thách lớn
lao nhất, đó là Cách Mạng Pháp.
Cách Mạng Pháp
Trong nhiều khía cạnh, cuộc Cách Mạng Pháp là cao điểm của thời Khai
Sáng. Vì sự khủng hoảng tài chánh ở Pháp, một đại hội đồng được triệu tập
mà trong đó thường dân (Giai Cấp Thứ Ba) đã lật đổ Vua Louis XIV và
thành lập chính phủ cách mạng. Hàng giáo sĩ Pháp (Giai Cấp Thứ Nhất)
ủng hộ cuộc cách mạng này và được chính phủ mới đãi ngộ trong thời gian
đầu. Tuy nhiên, vào năm 1790, chính phủ mới ở Pháp đòi hỏi mọi giám
mục, linh mục phải thề trung thành một cách vô điều kiện với chế độ mới,
nếu không họ sẽ bị cách chức. Bản Hiến Pháp Dân Sự của Giáo Sĩ là một
tấn công lộ liễu vào sự tự do của Giáo Hội Công Giáo và quyền bính của
giáo triều. Ðức giáo hoàng giữ im lặng trong tám tháng, trong khi đó
khoảng một nửa số giáo sĩ đã tuyên thệ — với hy vọng rằng không có ảnh
hưởng nhiều trên thực tế — và một nửa từ chối không tuyên thệ vì muốn
trung thành với Giáo Hội. Sự chia rẽ này khiến Giáo Hội Công Giáo Pháp
rất hoang mang và xáo trộn, nhất là năm 1792, khoảng ba mươi đến bốn
mươi ngàn linh mục là những người từ chối không tuyên thệ đã phải trốn
tránh hoặc bị trục xuất; nhiều người sau đó đã bị tử hình khi Cách Mạng
Pháp ngày càng có thế lực vào năm 1793.
Bước kế tiếp của cuộc cách mạng là trong năm 1793, chính phủ bắt
đầu tẩy trừ tính chất Kitô Giáo của Pháp bằng cách thiết lập một tôn giáo
mới. Mọi ngày lễ Công Giáo đều bị cấm, kể cả ngày Chúa Nhật, và mọi