Dân đinh ở Rạch Giá, Cà Mau 2.744 người
Sa Đéc 128.902 người
Vì là tỉnh xưa, ở Sa Đéc nhiều vùng đông đúc, mật độ cao đến 241 người
mỗi cây số vuông, đất bị cắt manh mún theo chế độ tiểu điền chủ, những
sở đất dưới 5 mẫu chiếm 4/10 của tổng số đất khai thác. Và 6/10 của đất
khai thác là đất thổ cư và vườn tược.
Sáu năm sau, năm 1886, tình hình tỉnh Rạch Giá bắt đầu khả quan hơn. Báo
cáo của tham biện ngày 8/8/1886 nêu vài chi tiết :
— Trong 7 người dân, tỷ lệ là 4 người Cao Miên, 3 người Việt.
— Biến cố ở Kinh thành Huế (vụ Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi 1885)
chẳng gây xúc động gì rõ rệt trong dân gian;
— Đường bộ quá ít, dân chúng ao ước đường thủy phát triển thêm. Mọi
việc xê dịch đều dùng đường thủy.
— Dân ra chợ mua bán thường dùng đường biển cho nhanh hơn. ở vùng
Cái Lớn (Mũi Gảnh) nạn chìm ghe thường xảy ra.
— Năm 1883, đã bắt dân xâu đào con kinh, gọi là kinh Ông Hiển, để đi từ
sông Cái Bé, từ rạch Tà Niên ra chợ mà khỏi vượt biển. Kinh này tiếp tục
đào đến năm 1886. Đường liên lạc từ Rạch Giá đến Châu Đốc gần như
không có, dân chúng dùng xuồng nhỏ, theo đường quanh len lỏi giữa rừng
tràm.
— Đào xong con kinh từ Cạnh Đền ăn xuống Cà Mau (kinh Bạch Ngưu),
dùng dân xâu làng Vĩnh Lộc.
— Con lộ chiến lược quan trọng nhứt trong tỉnh chạy từ chợ Rạch Giá vô
Minh Lương (khoảng 15 cây số). Minh Lương làm xóm sung túc từ lâu
đời, gồm đa số người Miên. Lộ này vạch sẵn hồi xưa, nay tu bổ lại để đem
thơ từ, chạy ngựa.
— Trường học tại tỉnh lỵ lợp lá, ngưng dạy từ mấy năm qua đang bắt đầu
hoạt động trở
— Năm 1885, trong toàn tỉnh có 6 trường tổng, trường ở Minh Lương
không đem lại kết quả vì thiếu giáo viên.
— Dân bộ chịu thuế năm 1883 là 8.000 người, năm 1886 là 10.000 người.
Kết quả này thâu được là nhờ lập bộ kỹ lưỡng hơn trước.