Vĩnh Lộc) là nơi nguy hiểm, khó di chuyển, đi trát cho làng nọ làng kia thì
đường đi rừng bụi vắng vẻ quá, “có nhiều lần tôi gặp cọp nó làm dữ với tôi,
thì tôi cũng nhờ có cây súng tôi bắn nó chết, có khi nó ra phá xóm làng thì
người ta tới kêu tôi cùng đi cứu giúp mà bắn cho đặng bình an trong xóm”.
Vì không thấy có huê lợi dồi dào về thuế má trong tương lai gần nên vào
khoảng 1889, hạt Rạch Giá bị sáp nhập vào hạt Long Xuyên cho đỡ tốn
kém về mặt bố trí cơ sở hành chánh cùng là lương bổng nhân viên. Rạch
Giá lúc bấy giờ trên con dấu chánh thức là “Kiên Giang huyện” của tỉnh
Long Xuyên, còn con dấu của tham biện Long Xuyên ghi “Arrondissement
de Long Xuyên” chính giữa là “Long Xuyên, Rạch Giá”.
Nhưng đôi năm sau, Rạch Giá tách trở lại làm một tỉnh như trước, chánh
phủ đang trù liệu kế hoạch khai thác quy mô vùng Hậu giang với ngân sách
của chánh quốc cho mượn : đào kinh nối liền từ vịnh Xiêm La lên Sài Gòn.
Chỉnh đốn tỉnh lỵ Rạch Giá và các vùng phụ cận
Chợ Rạch Giá là cơ sở tốt với giồng cao ráo sát bờ biển, lại còn nhiều
giồng đất phì nhiêu vùng phụ cận. Quy chế khẩn đất đặt ra rành mạch, các
tỉnh miền Tiền giang không còn đất tốt vô chủ khiến nhiều người đổ xô về
Rạch Giá là nơi dễ làm ăn, đặc biệt là dân từ Long Xuyên đến. Tháng
10/1895, chủ tỉnh báo cáo về Thống đốc Nam kỳ với ý kiến của Hội đồng
địa hạt đưa nhiều đề nghị :
— Từ vài năm qua dân số gia tăng gấp đôi.
— Diện tích canh tác tăng hơn 10 lần.
— Đề nghị vét kinh Rạch Giá, Long Xuyên (Thoại Hà) để tàu Lục tỉnh từ
Sài Gòn đến chợ Rạch Giá ít nhứt là 3 lần trong mỗi tuần như các tỉnh
khác. Bấy lâu, Rạch Giá và Hà Tiên không có chuyến nào trong tuần (tức là
khoảng 10 ngày mới có một chuyến).
— Bảo vệ bờ biển Rạch Giá đừng cho lở, bằng cách cẩn đá mà chận sóng
biển. Đồng thời, xây một con đê bằng đá chạy ra ngoài biển để vào mùa
hạn tàu bè có thể cất hàng hóa (nhưng không thực hiện được).
Bấy lâu đường giao thông từ Rạch Giá lên Sài Gòn khó khăn vì kinh Thoại
Hà quá cạn, nhứt là vào mùa hạn. Hành khách từ Sài Gòn đến Rạch Giá
dùng xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho, rồi đi tàu Lục tỉnh từ Mỹ Tho đến Long