trung gian mua lại giùm cho. Hương chức làng tự ý sửa chữa, sang tên các
sở đất, hậu quả là địa bộ ở làng trên nguyên tắc là bản phụ, lại không giống
với địa bộ (bản chánh) nạp ở tỉnh.
— Ai muốn sao lục địa bộ (có giá trị như bằng khoán đất) thì làng đòi ăn
hối lộ rồi mới chịu sao.
— Chủ tỉnh nhắc lại nguyên tắc : mọi sửa đổi về ranh giới hoặc tên người
chủ sở đất đều phải được phép của chủ tỉnh (theo nghị định 6/3/1891, chủ
tỉnh là người quản thủ địa bộ).
— Để cứu vãn tình thế, chủ tỉnh Rạch Giá yêu cầu Thống đốc cho thành lập
một ủy ban gồm một chủ tỉnh từ tỉnh khác đến làm chủ tịch, một viên kinh
lý (họa đồ) cũng là cai tổng và hương chức sở tại để tu chỉnh, lập địa bộ
mới cho tỉnh.
— Không làm được việc ấy thì dân ở tỉnh khác không xuống Rạch Giá
đông đảo như trước nữa. Trong hiện tại, đa số người chiếm giữ đất để canh
tác không có bằng khoán hợp pháp, còn những người tranh chấp thì chẳng
có giấy tờ gì để chứng minh.
— Không lập được địa bộ thì dân làng chỉ làm công cho thiểu số người có
thế lực hưởng huê lợi.
Nhiều vụ tranh chấp xảy ra.
Dân khẩn hoang thoạt tiên tin rằng nhà nước cho phép họ làm ruộng trước
rồi sẽ khai báo để hợp thức hóa về sau, với điều kiện khẩn không quá 10
mẫu (gọi là đất công nghiệp). Làm sao người dân hiểu rành cách thức làm
đơn và dám ra tỉnh lỵ để hầu quan chủ tỉnh ? Đường xa, lắm khi hơn 70
cây số, ra chợ lại không biết thưa bẩm với ai. Vài người hiểu luật lệ đã
chịu khó chạy chọt, tìm cách giựt đất.
ở làng Vĩnh Hưng, năm 1904, một viên thông ngôn tòa án đang ăn lương
lớn lại xin nghỉ việc để tranh cử chức cai tổng, chưa đắc cử là cho vợ đứng
đơn xin khẩn chồng lên mấy sở đất mà người khác đã ruồng phá thành
khoảnh từ trước. Vai trò của cai tổng khá quan trọng khi lập địa bộ cấp đất,
vì là một ủy viên. Năm 1903 chủ tỉnh rất áy náy vì tình trạng chiếm đất, do
thiểu số nhiều uy thế và rành luật lệ. ở làng Lộc Ninh, nhiều sở đất có rừng
tràm tốt hoặc có người đang canh tác lại bị kẻ lạ mặt làm đơn xin trưng