Sơn Nam
Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Chương 2 - 4
Vùng Bạc Liêu, Cà Mau xa xôi và phức tạp
Cà Mau là đất có dân từ thời Mạc Cửu, qua đời Gia Long thì những giồng
cao ráo ở ven sông Ông Đóc, sông Gành Hào, sông Bãi Háp và vài phụ lưu
đã thành xóm. Lúc tẩu quốc, Gia Long nhờ dân ở Cà Mau giúp nhiều về tài
lực, nhân lực ; vài người nổi danh, như Dương Công Trừng. Mũi Cà Mau
là vùng rừng đước, rừng vẹt, còn lại là rừng tràm. Phía Nam Hải, nhiều nơi
có bãi cát đen. Phần ở chót mũi Cà Mau gần như nước mặn tư niên, trừ khi
mưa già. Dân sống được là nhờ nước ngọt từ Hòn Khoai chở vào bờ.
Từ xưa, Cà Mau là nơi người Hoa kiều sống rải rác với người Miên. Nhằm
mùa đánh cá, ngư phủ ở Gò Công đến ven biển, cất chòi ở tạm rồi trở về
xứ. Đợt Huê kiều vào lập nghiệp khiến cho Bạc Liêu, Cà Mau trở thành
khá phồn thịnh là đợt cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến. Họ đi bằng tàu
buồm vào Cà Mau, khỏi ghé qua Sài Gòn. Lại còn một số người từ Sài
Gòn, Chợ Lớn đến lập nghiệp.
Nghề làm ruộng muối do người Hoa kiều nắm trọn. Vào thời Gia Long,
nghề dệt chiếu thành hình với kỹ thuật cao, cùng là nghề khai thác sáp ong,
mật ong và sân chim. Người Pháp nhận xét lệch lạc về vùng Cà Mau, Bạc
Liêu vì họ so sánh với các tỉnh miền Tiền giang. Dân địa phương đã khéo
léo nhắm vào nhu cầu thị trường, làm ruộng vừa phải, dư quá nhiều cũng
không ích lợi gì. Họ làm thêm rẫy khoai lang, nhứt là nghề đánh lưới và
đóng đáy để thu huê lợi to hơn : tôm khô, cá khô.
Các viên tham biện đầu tiên đến Cà Mau, Bạc Liêu ghi lại khung cảnh
hoang vắng thưa thớt, họ quên rằng lúc ấy hễ nghe tiếng máy tàu là ai nấy
chạy trốn. Nhà cửa thường cất khuất lấp ở ngọn rạch, nơi đất cao. Vàm
rạch là bãi bùn đầy cây cỏ. Chạy tàu ngoài sông cái, nơi nước sâu thì khó
bề nắm được tình hình. Lại còn sự kê khai sai lạc về đất ruộng và dân số
của hương chức làng. Người Huê kiều thì tỏ ra ương ngạnh, không muốn
nơi mà họ đã nắm ưu thế lại bị xáo trộn.