LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - Trang 168

(phía vịnh Xiêm La) hoặc Bãi Xàu (bờ Hậu giang) đảm nhận như trước
nữa. Ghe buồm Hải Nam tuy to, chở nặng nhưng làm sao cạnh tranh nổi
với các tàu sắt, chạy máy của Tây phương tại bến Sài Gòn.
Tàu máy chở gạo qua Hương Cảng với giá vốn nhẹ hơn. Dầu muốn hay
không, lúa gạo miền Sóc Trăng cũng phải mượn đường Trà Ôn để đem bán
tại Chợ Lớn. Rạch Trà Ôn nối qua sông Mân Thít bên Tiền giang, con
đường mà trước kia Nguyễn ánh và Tây Sơn giành nhau quyền kiểm soát.
Quan cai trị Pháp biết nhìn xa : dời tỉnh lỵ về rạch Cần Thơ thì chợ Cần
Thơ trở thành ải địa đầu quan trọng, nắm luôn nẻo thông thương thứ nhì,
cũng nối từ Hậu giang qua Tiền giang để lên Sài Gòn, Chợ Lớn. Đó là con
đường từ rạch Cái Vồn qua rạch Nha Mân, phía Sa Đéc. Lại còn phía tây
Cần Thơ là vùng Rạch Giá, Cà Mau bao la với nhiều triển vọng về lúa gạo,
đất hoang chưa khai phá.
Cần Thơ có khí hậu tốt, đất hoang tuy chưa được khai thác đúng mức
nhưng là rừng chồi thưa thớt, không như rừng tràm ở nước mặn phía Rạch
Giá, Cà Mau. Giữa Cần Thơ, Sóc Trăng và ranh tỉnh Rạch Giá còn một
cánh đồng bát ngát, nước ngọt, không quá thấp như Đồng Tháp Mười,
không quá sình lầy và nhiều phèn. Đó là cánh đồng sau này trở thành quận
Phụng Hiệp, đầy lau sậy, có voi (voi ăn sậy và lau). Thoạt tiên người Pháp
gọi đó là “Đồng Sậy” nhưng vì khai phá xong nên địa danh này không còn
thông dụng như trường hợp Đồng Tháp Mười hay rừng tràm U Minh.
Rạch Cần Thơ chạy dài tới Phong Điền, nhà cửa đông đúc. Rạch Cái Răng
là nơi đất tốt. Đất ở rạch Bình Thủy không đâu sánh bằng; rạch Cần Thơ
và rạch Bình Thủy như nối tiếp nhau ở cuối ngọn. Tuy không là văn vật
như miền Tiền giang nhưng dân ở hai con rạch này khá thuần thục, thông
hiểu lễ nghĩa “trai Nhân ái, gái Long Xuyên”.
Thực dân Pháp nhắm mục đích biến Cần Thơ thành trung tâm quan trọng
nắm giềng mối đường giao thông về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà
Mau trong giai đoạn mà đường thủy nắm ưu thế. Về sau, sau trận thế chiến
1914—1918, những con lộ xe cũng nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược này.
Phải qua Cần Thơ mới lên Sài Gòn được, đa số lúa gạo gom về Cần Thơ vì
đây là con đường vận tải ngắn nhứt.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.