Khi Pháp đến, vùng Ba Láng (nhánh của rạch Cần Thơ) là nơi khởi nghĩa
của Đinh Sâm. Đinh Sâm thất bại nhưng vào tháng 3/1870, chừng 200
nghĩa quân tụ tập lại ăn tiệc, chuẩn bị đánh tòa thâm biện Cần Thơ. Thực
dân phát giác kịp, bắt giam 141 người, trong số này chừng 55 người mà
thực dân cho là nguy hiểm bị đề nghị đày ra Côn Nôn hoặc đảo Réunion.
Tham biện lúc bấy giờ là Alexandre dùng dân địa phương làm xâu, cất nhà
lá chung quanh nhà lồng chợ để bán hoặc cho mướn lại.
Theo báo cáo thì ở Cần Thơ việc kiện thưa đất đai xảy ra quá nhiều chứng
tỏ người dân thấy tương lai sáng sủa của nghề nông. Chủ tỉnh ra lịnh lập
bộ điền cho kỷ hơn để thâu thuế. Năm 1887, đất canh tác là 85.000 mẫu, so
với năm trước (khai để đóng thuế) tăng thêm 17.000 mẫu. Diện tích của
tỉnh là 205.000 mẫu, tức là còn lại 110.000 mẫu có thể canh tác. Dân ghi
trong bộ để chịu thuế trong toàn tỉnh là 26.500 người.
Đào kinh xáng Xà No
Kinh xáng Xà No là công trình lớn lao đầu tiên của Nam kỳ về đường thủy,
có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường
bộ. Kỹ thuật Tây phương đã biểu diễn với tất cả sức mạnh và hiệu năng.
Đời Gia Long và Minh Mạng, vua và các quan đã nhận rõ vai trò quan
trọng của kinh đào đối với miền Tiền giang và Hậu giang. Kinh Thoại Hà,
kinh Vĩnh Tế là những công trình chiến lược đứng đắn, nối vịnh Xiêm La
qua Hậu giang để rồi lên Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn. Ai cũng biết đào
kinh thì đất ráo phèn, ruộng nương dễ khai phá, dân chúng thích quy tụ ở
nơi “sông sâu nước chảy”.
Kinh xáng Xà No nối Hậu giang qua vịnh Xiêm La, xuyên qua vùng đất tốt
và to rộng giữa nhánh sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ (nhánh sông Cái Lớn
nơi ấy gọi là Rạch Cái Tư).
Từ năm 1866, nhà nước dùng xáng mà vét lại rạch Bến Lức và kinh Bảo
Định nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Năm 1875, đô đốc Duperré
cho đào lại kinh Chợ Gạo và kinh Trà Ôn, dùng dân xâu. Năm 1893, quan
toàn quyền De Lanessan cho đấu thầu ở Paris. Công ty Montvenoux trúng
thầu với giá là ba cắc rưỡi một thước khối, trong tháng đầu phải đào