đất Tầm Bào, tức là vùng chợ Vĩnh Long ngày nay, đồng thời đặt những
đồn ở Tây Ninh, Hồng Ngự, cù lao Giêng, Sa Đéc, Châu Đốc.
Dinh Long Hồ kiểm soát Tiền giang và hai bên bờ Hậu giang. Đồng thời
dinh này cũng bao trùm luôn vùng biên Vịnh Xiêm La với Long Xuyên
đạo (Cà Mau), Kiên Giang đạo (Rạch Giá). Riêng về vùng Ba Thắc (Sóc
Trăng) nơi người Miên sống quá tập trung thì việc cai trị vẫn thuộc về họ.
Dụng ý của chúa Nguyễn là dùng nơi này để khống chế Cao Miên. Sông
Cửu Long là biên giới Việt Nam ở miền ba biên giới.
Năm 1779, chúa Nguyễn duyệt xem bản đồ, nâng vùng Mỹ Tho làm dinh
(Tường Đồn dinh) đồng thời cũng thử bày một chuyến phiêu lưu : dời dinh
Long Hồ đến cù lao Hoằng Trấn, ở giữa Hậu giang. “Đương thời có người
bàn rằng địa thế Hậu giang rộng lớn, rừng núi mù mịt, vùng Ba Thắc, Cần
Thơ, Trà Vinh có nhiều sốc của Cao Miên mà cách xa dinh Long Hồ, nên
đặt một đai trấn để khống chế, mộ dân đến khai khẩn ruộng đất”. Dinh
Long Hồ dời đến Hoằng Trấn năm trước là năm sau (1780) lại lui về chỗ
cũ (tức là vùng chợ Vĩnh Long), đổi tên là Vĩnh Trấn dinh.
Kinh nghiệm cho thấy rằng con đường từ Hậu giang lên Cao Miên quá xa,
không thuận bằng đường Tiền giang, phía Vĩnh Long. Cù lao Hoằng Trấn
ở Hậu giang được khai thác sớm, còn mang tên là cù lao Tân Dinh, gợi lại
hình ảnh của dinh Long Hồ ngày trước. Giữa Tiền giang và Hậu giang, có
s≥n nhiều sông rạch lớn nhỏ liền lạc nhau lại còn nhiều giồng đất tốt,
quanh năm nước ngọt, mùa nước lụt không ngập (vùng Sa Đéc). Những cù
lao trên sông Tiền, sông Hậu đều đáng giá, nhiều cù lao vừa rộng vừa dài,
đất biền chung quanh cù lao rất màu mỡ, năng xuất cao : cù lao Dung, cù
lao Trâu, cù lao Dài, cù lao Giêng, cù lao Mây, cồn Bình Thủy, cù lao
Năng Gù. So với sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây) luôn cả sông Đồng Nai thì
Tiền giang và Hậu giang đất tốt hơn, khí hậu khá lành. Dân cư còn thưa
thớt, đòi hỏi nhiều đợt lưu dân đến khai thác. Duy có điều bất lợi là xa Gia
Định, người Miên sống tập trung tại nhiều vùng lớn rộng có thể khuấy rối
an ninh ; vùng Thất Sơn chưa thám hiểm được, lại còn cánh đồng bát ngát
(Rạch Giá, Cần Thơ) nằm giữa hữu ngạn Hậu giang và vịnh Xiêm la.
Nước Xiêm đang hồi hăng sức, có thể đột nhập miền biên giới — một biên