nghĩa.
Câu hát “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh thương em cho
bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm riềng họ hay” phản ảnh tâm trạng lạc
quan của người dân thời ấy.
Vàm Xáng (vàm của kinh Xáng) là nơi kinh Xà No khởi đầu bên phía Cần
Thơ (Xà No, Srok Snor, xóm có nhiều cây điên điển). Ngã ba này trở nên
tấp nập, ghe xuồng đậu để chờ con nước thuận lợi mà qua Rạch Giá hay ra
chợ Cần Thơ.
Năm 1908, hương chức làng Nhân ái đứng đơn xin lập chợ, gọi là chợ Vàm
Xáng để thâu huê lợi cho làng. Một thân hào tình nguyện cho làng khoảnh
đất để cất chợ, nhà canh và phố. Về sau, nhà tước tách địa phận này qua
làng Nhân Nghĩa. Hương chức làng Nhân ái lại phản đối, lấy lý do : “Làng
Nhân ái này là của ông bà cha mẹ chúng tôi lập ra hơn một trăm năm nay,
nên luôn luôn rất bình an”, nếu cắt đất chợ mà nhập qua làng khác, e hư
phong thủy (nhưng thật ra hương chức làng mất dịp làm ăn).
Năm 1913, một thân hào khác lại tặng cho làng sở đất 880 thước vuông để
cất nhà trường làng “dạy trẻ con học hành phong hóa”. Lúa từ phía Rạch
Giá theo kinh Xà No chở ra chợ Cái Răng, do người Huê kiều mua về,
mướn nhà máy xay ra gạo tại chỗ trước khi đem về Chợ Lớn mà xuất cảng.
Nhờ đó, chợ Cái Răng trở thành kho lúa gạo to lớn với nhiều dịch vụ mua
bán mà người Huê kiều thao túng trên thị trường nội địa.
Năm 1908, chợ Cái Răng đã sung túc đến mức hương chức hội tề sở tại bán
cái sườn nhà lồng chợ cho làng Thới Thạnh để mua cái sườn nhà chợ khác,
to và chắc chắn hơn.
Vào đầu năm 1911, nhiều người bày ra sáng kiến lập chành, thoạt tiên
chành cất bằng lá. Và cũng năm này, công ty Asiatic Petroleum xin phép
cất cây cầu sắt dài 15 mét tại bến Cái Răng cho tàu chở dầu cặp bến dễ
dàng hơn.
Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ
Đây là phong trào Duy Tân (gọi là cuộc Minh Tân) do Gilbert Trần Chánh
Chiếu cầm đầu.