Cần Thơ là nơi mà giới điền chủ Việt có truyền thống văn hóa cao, tuy kém
các tỉnh miền trên như Mỹ Tho, Tân An nhưng đứng vào hàng đầu các tỉnh
Hậu giang. Người ở Cần Thơ liên lạc dễ dàng với các tỉnh miền trên. Đặc
biệt là giới công chức Cần Thơ có tinh thần dân tộc, đến mức khiến thực
dân Pháp phải khó nghĩ, lo ngại.
Phong trào Đông Du lôi cuốn con nhà khá giả ở Bình Thủy và Trà Ôn (nơi
giáp ranh vùng Tam Bình). Lão sư Nguyễn Giác Nguyên ở chùa Nam Nhã
(chùa Minh Sư, Bình Thủy) được ông Cường Để phong cho chức chủ tỉnh
Cần Thơ nếu việc lớn được thành. Về mặt công khai, phong trào Duy Tân
khá rầm rộ. Nhân sĩ yêu nước thời bấy giờ lập Hội khuyến học Cần Thơ
vào ngày 23/3/1906. Trên điều lệ, mục đích của hội là giúp hội viên học hỏi
trau giồi kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa của nước Pháp bằng mọi phương
tiện. Hội trưởng hội này là Võ Văn Thơm, hai ông phó Hội trưởng là Hồ
Hưng Nhường và Nguyễn Háo Văn. Vì chê thành phần Hội khuyến học
Sài Gòn lúc bấy giờ kém tích cực và cũng vì muốn hoạt động riêng nên
Hội Cần Thơ không tán thành việc gia nhập vào Hội khuyến học Sài Gòn
(20 phiếu chống, 2 phiếu thuận). Ông Nguyễn Háo Văn là chiến sĩ đắc lực
của phong trào Duy Tân. Về sau, khi vụ án Gilbert Chiếu phanh phui ra,
ông bị cách chức vào ngày 19/4/1909 (ông là thư ký hạng nhứt). Và ba
ngày sau thực dân cũng cách chức ông tri phủ Nguyễn Công Luận ở Sa
Đéc, ông Huỳnh Công Bền, tri phủ Cai Lậy, ông Phạm Văn Bảy, tri huyện
ở chợ Mỹ Tho bị can đồng một tội.
Tuy nhiên, vì không dám khuấy động quá mức, thực dân lúc bấy giờ có thái
độ tương đối hòa hưởn, ông Nguyễn Văn Háo rút đứa con trai đang du học
bên Nhựt về, cho tiếp tục học tại Saint Joseph English College Hong Kong
(đây là ông Nguyễn Háo Vĩnh, có công trong việc chấn hưng ngành xuất
bản sách ở miền Nam).
Trong bài diễn văn đọc kỳ đại hội của Hội khuyến học Cần Thơ ngày
10/1/1908, ông Hội trưởng Võ Văn Thơm công khai đề cao tinh thần dân
tộc, cổ xúy người Việt nên hăng hái, bớt lười biếng, đứng lên tranh thương
với Hoa kiều và ấn kiều, và trong hiện tại, họ đã nể nang người Việt. Lời lẽ
trong bài diễn văn này không dính dấp gì với mục đích của Hội là “phổ