đồng thời mấy tiệm buôn Huê kiều phải mua bán như thường lệ, bằng
không thì sẽ bị phá cửa.
Chủ tỉnh Rạch Giá bèn đánh điện cầu cứu với tỉnh Cần Thơ. Hôm ấy, khi
nhận được điện văn là vào lúc xế trưa, các quan ăn lễ kỷ niệm nữ anh hùng
Jeanne díArc. Chủ tỉnh Cần Thơ nghỉ phép, vắng mặt. Phó chủ tỉnh bèn ra
lịnh cho trung úy cảnh sát tên là Turcot tức tốc qua Rạch Giá với 30 lính
mã tà của tỉnh Cần Thơ.
Họ đi xe hơi tới Long Mỹ. Nơi đây, trung úy Turcot gặp viên Thanh tra Lao
động từ Sài Gòn đến. Viên Thanh tra này biết nói rành tiếng Miên. Khi bàn
chuyện bạo động ở Ninh Thạnh Lợi, viên Thanh tra này hỏi về cách ứng
phó sẽ áp dụng thì Turcot bảo rằng khi đến nơi sẽ bắt bọn làm loạn, nếu
bọn này chống lại thì lính mã tà sẽ dùng súng đạn, không cần dè dặt.
Toán lính của trung úy Turcot đến, tấn công ngay vào sào huyệt. Lẽ dĩ
nhiên, chẳng một ai chịu ra đầu hàng khi viên trung úy ra lịnh.
Súng nổ, bọn tay em của chủ Chọt chống cự hăng hái, họ dùng khí giới bén
và bốn khẩu súng giựt được của lính mã tà hôm trước. Họ bắn tất cả 80
viên đạn, tức là đến viên đạn cuối cùng. Bên chủ Chọt, 14 người chết tại
trận, gồm chủ Chọt, tên thày bùa và con gái của chủ Chọt. Cô gái này đứng
hàng đầu, xung phong khi nghinh chiến. Ngoài ra còn khoảng 20 người bị
thương, bị bắt giam.
Tài liệu không nói rõ bên lính mã tà tổn thất ra sao (theo lời thuật lại sau
này của người địa phương thì lính mã tà bị thương khá đông, nhưng nhẹ
thôi).
Những người thuộc phe chủ Chọt, luôn cả chủ Chọt được chôn vào địa
điểm mà đến nay người địa phương còn gọi là “mã chủ Chọt” ở giữa ruộng
(đến vùng Phước Long hỏi ai cũng biết).
Quan Thống đốc Blanchard de la Brosse chứng minh rằng cuộc thảm sát
xảy ra là tất yếu, không có cách nào khác hơn (ông ta muốn binh vực bọn
thuộc hạ) nhưng nhìn nhận rằng tên cò Bouchet bị thương lần trước và bọn
lính mã tà đều quá dở.
Người địa phương thì “khen ngợi” viên xã trưởng, thầy cai tổng và quan
chủ quận Phước Long là khôn ngoan và am hiểu tình hình : thà rằng trốn