phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các
ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên
náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ
năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc
xưa chưa được phân nửa”.
Chánh sách của Tây Sơn ở miền Nam là phá căn cứ địa, chận các đường
thủy từ Sài Gòn, Cần Giờ đến vùng vàm sông Cửu Long, chận các vị trí
chiến lược nối Tiền giang qua Hậu giang, Hậu giang đến vịnh Xiêm La, từ
vùng Long Xuyên (Cà Mau) ra Phú Quốc, qua Xiêm. Thủy quân của Tây
Sơn đồn trú hoặc tuần tiểu tới lui vùng Băng Cung, Ba Thắc, Phú Quốc,
vàm sông Mân Thít, Trà Ôn, Sa Đéc, sông Ba Lai. Khi chiếm đóng, chính
sách kinh tế và việc tổ chức hành chính thay đổi như thế nào ? Nguyễn Huệ
chịu trách nhiệm từ Huế ra Bắc phần. Nguyễn Lữ, phò mã Trương Văn Đa,
lưu thủ Hóa ở đất Gia Định khong biểu dương được tài năng gì lạ ngoài
những hàng động quân sự.
Quân Tây Sơn bị cô lập ở đất Gia Định vì những lý do sau đây :
— Dân khẩn hoang mang ơn các chúa Nguyễn, họ được khá giả hơn lúc ở
miền Trung, đất tốt còn nhiều, chưa cần một chánh sách điền địa mới, hoặc
một sự thay trào đổi chúa.
— Quân Tây Sơn không thâu phục được người Huê kiều (đốt chợ cù lao
Phố, đốt chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, phá chợ Mỹ Tho), là hậu thuẫn kinh tế
cho Nguyễn ánh.
— Người Cao Miên ở Trà Ôn, người Đồ Bà (Chà Châu giang) đều có cảm
tình và tích cực ủng hộ Nguyễn ánh, nhờ đường lối chính trị mềm dẽo. Lúc
bấy giờ quân Tây Sơn nặng lo những vấn đề ở Bắc hà (cựu thần nhà Lê) và
còn lo đối phó với quân nhà Thanh. Quân Tây Sơn đánh giá quá thấp sức
chịu đựng của Nguyễn ánh, nhứt là chuyện Nguyễn ánh cầu viện với nước
Pháp. Pháp quốc lúc bấy giờ đang nuôi nhiều tham vọng, việc tổ chức quân
đội của Pháp đạt kỹ thuật cao, với hải quân mạnh và võ khí tốt. Hành động
của Bá Đa Lộc tuy phiêu lưu nhưng gây nhiều hậu quả trầm trọng. Tháng 9
năm 1788, chiến thuyền và sĩ quan Pháp đến trong khi Nguyễn Huệ lo ứng
phó với Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long.