Nguyễn ánh vĩnh viễn rời đất Đồng Nai để về Huế đô, nhưng đất Đồng Nai,
Gia Định vẫn còn giữ vai trò cũ : vai trò vựa lúa, vai trò tiền đồn của nước
Việt. Vua Cao Miên và vua Xiêm càng thèm thuồng vùng đất phì nhiêu
này.
Những năm thái bình đời Gia Long
Gia Long xưng Hoàng đế ở Huế, vùng Gia Định dứt nạn binh đao trong
khoảng thời gian ngắn, nhưng là khá dài so với thời chúa Nguyễn và các
trào vua kế tiếp. Từ Bình Thuận trở vào, về mặt hành chánh đặt ra Gia
Định thành với quan Tổng trấn cầm đầu, nắm khá nhiều quyền hạn, lãnh
coi các việc binh dân, xâu thuế và hình phạt của năm trấn : Phiên An, Biên
Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Lại coi luôn trấn Bình Thuận
về mặt quân sự. Dân số lần hồi đông đúc, các tổng trước kia đa số đều
thăng làm huyện, huyện thăng làm phủ.
Việc phồn thịnh của thương cảng Sài Gòn và lỵ sở của các trấn được ghi
khá đầy đủ qua Gia Định thành Thông chí do Trịnh Hoài Đức, người
đương thời biên soạn. Đường giao thông vận tải nắm ưu thế vẫn là đường
thủy. Du khách Hoa Kỳ là John White năm 1819 có đến Sài Gòn, ghi lại
trong quyển sổ tay như sau :
— Thành lũy Sài Gòn xây bằng đá ong, kế bên một cơ thủy trại, gần đó là
xóm nhà của dân cư gồm những lều lụp xụp, thấp hẹp. Xóm buôn bán ở về
hướng Đông. Khi đức Gia Long dẹp yên giặc Tây Sơn thì dân chúng tụ về
thành rất đông. Họ sửa sang nhà cửa lại mới, một phần lớn các gia đình
này dồn về hướng Tây của thành lũy nhà vua”. ... “Thời buổi ấy, dọc theo
hai bên bờ sông và bờ kinh rạch có vài chỗ đã được cẩn đá hay xây gạch kỹ
càng, chạy nối dài non ngàn thước tây. Về công lộ, có đường đã lót đá
nguyên miếng lớn dễ coi, nhưng phần nhiều vẫn quanh co uốn khúc và
không được săn sóc tu bổ nên không được sạch”.
Về nhân số thì thành Sài Gòn phỏng độ lối :
— 180 000 dân bổn thổ
— 10 000 người Trung quốc.
Năm 1822 “lại có một thú y sĩ qů danh là ông Finlayson tháp tùng phái
đoàn Crawfurd cũng có đến viếng Sài Gòn. Finlayson viết : Sài Gòn gồm