Vấn đề cho vay được đặt ra, trên nguyên tắc một vốn một lời (tức bất quá
bổn), người cho vay trái phép và con nợ lường gạt đều có tội. Từ năm
1806, khi mất mùa vì thiên tai, hạn hán, lụt lội thì có lệ là chủ ruộng phải
khai báo trước khi gặt để được miễn thuế. Khai báo gian hoặc quan lại mà
giấu không chịu khai báo thì tội đồng nhau. Khi thâu thuế có người đáng
tin cậy ngồi coi, đề phòng nạn người coi kho làm khó dân, chê lúa xấu tốt,
đong ít đong nhiều để ăn hối lộ.
Trịnh Hoài Đức ghi chép rằng người địa phương ít dùng những địa danh về
hành chánh. Họ dùng tên của “những lỵ sở hoặc chỗ nhóm họp đông lớn,
hoặc chỗ địa đầu” mà gọi đại khái, tổng quát.
Trong dân gian gọi trấn Biên Hòa là Đồng Nai Bà Rịa, trấn Phiên An là
Bến Nghé Sài Gòn, trấn Định Tường là Vĩnh Gù Mỹ Tho, trấn Vĩnh Thanh
là Long Hồ Sa Đéc, trấn Hà Tiên là Cà Mau Rạch Giá.
Trong một trấn tại sao chỉ chọn lựa hai vị trí, và tại sao lựa vị trí này mà
không lựa vị trí khác ? Dân gian nói thành thói quen ắt có lý do riêng. Theo
chúng tôi nghĩ đó là họ muốn xác nhận nơi làm ăn sung túc, “làm ăn“ có
nghĩa là mua bán, cày cấy.
Sài Gòn là thành phố của người Trung Hoa dựng lên lúc ban đầu, nặng về
bán sỉ, trong khi thành phố Bến Nghé do người Việt xây dựng về sau, nặng
về bán lẻ và là khu hành chính. Vũng Gù tức là chợ Tân An ngày nay, tuy
không có chợ lớn nhưng đáng chú ý nhờ khẩn hoang lâu đời, đất khá tốt. Sa
Đéc nằm trong trấn Vĩnh Thanh, là nơi sung túc dân cư trù mật, sống nhờ
huê lợi ruộng tốt và vườn cây ăn trái. Trấn Hà Tiên, với lỵ sở nổi danh là
đẹp nhưng nghèo, không thể sản xuất đủ lúa gạo, cá mắm, chỉ có vùng
chung quanh chợ Cà Mau và chợ Rạch Giá là dễ đánh lưới và làm ruộng
dễ trúng mùa, tàu buồm Hải Nam ra vào chở cá khô, gạo.
Gia Định thành Thông chí (trong mục Cương Vực Chí) đã nêu rõ danh sách
các huyện, tổng, thôn ở toàn cõi Gia Định thành hồi đời Gia Long. Vùng
nào tập trung nhiều làng xã trên diện tích nhỏ thì nhứt định là đất tốt, khẩn
hoang có kết quả. Vùng nào có quá ít làng xã trên diện tích quá rộng thì đất
xấu. Nguyên tắc lập làng xã là có người, tức là dân bộ. Dân bộ phải nhiều
đến mức nào đó (thường là 10 người) mới lập được một làng.