danh đất tốt, gạo ngon. Đất ở bờ Cửa Tiểu và Cửa Đại là phù sa cao ráo.
Nói riêng về từng trấn, Định Tường (với Gò Công làm nòng cốt) là vựa lúa
quan trọng nhất của xứ Gia Định.
Về đất ruộng, ở nơi có núi đồi và có đồng bằng như miền Trung, theo lệ từ
lâu, cứ phân chia ra sơn điền và thảo điền. Sơn điền có năng xuất kém,
thảo điền năng xuất cao, vì vậy mà trong việc quy định thuế điền, luôn
luôn thảo điền chịu thuế cao hơn.
ở vùng đồng bằng Cửu Long, để tiện việc thuế khóa, nơi nào đất mới trưng
khẩn thì khai là sơn điền (mặc dầu không có núi) để chịu thuế nhẹ, vài năm
sau khi đất đã thành thục (trở thành đất thuộc) thì nâng lên làm thảo điền.
Ruộng ở đồng bằng Đồng Nai và Cửu Long chia ra hai loại, đứng về mặt
kỹ thuật cày bừa mà xét (sự phân biệt này qua thời Pháp thuộc vẫn còn) :
— Đất cày
— Đất phát
Ruộng đất cày thường là tương đối cao, chờ mưa mới cày, thường là khai
thác lâu năm, nếu không cày thì mặt đất quá cằn cỗi thiếu chất màu mỡ,
cày để trộn đất lên.
Vùng Phiên An, Biên Hòa gồm loại ruộng cày.
Ruộng đất phát là đất thấp, còn mới, ít khai thác, mặt đất còn nhiều cỏ và
phân, nếu cày thì đất phèn phía dưới lại trồi lên làm hư lúa (Trịnh Hoài
Đức ghi là “trạch điền” để chỉ loại đất phát này).
Muốn làm ruộng đất phát, khi sa mưa, nước lên cỡ ba tấc tây thì phát cỏ
(Trịnh Hoài Đức dùng chữ trảm phạt, nhưng không nói rõ là phát bằng thứ
dụng cụ gì). Theo ý kiến chúng tôi, nông dân thời ấy dùng cây phãng mà
người Miên đã dùng từ trước. Phãng giống như cây mã tấu, cán phãng uốn
lại theo góc thước thợ, lưỡi phãng dài cỡ bảy, tám tấc tây. Người phát cứ
đứng nghiêng mình mà chém, dùng cây cù nèo gạt cỏ qua một bên rồi chém
tiếp. Phát cỏ xong xuôi, dùng cây bừa cào thứ to mà dọn cho đất trống trải,
sau đó là cấy với cây nọc (đất không cày nếu dùng tay mà cấy thì không tài
nào khoét lỗ để nhét cây mạ được).
Ruộng đất phát (trạch điền) ở Vĩnh Thanh một hộc giống thâu được 300
hộc, trong khi ruộng cày ở Phiên An, Biên Hòa một hộc lúa giống chỉ đem