nhưng tướng Đỗ Thanh Nhân dẹp được với chiến thuật khá tinh vi. Năm
1757, nhờ lãnh tụ Miên là Nguyễn Văn Tồn theo chúa Nguyễn nên vùng
Trà Ôn sống yên lành, chẳng có mầm mống phản loạn. Người Miên trở
thành dân binh giữ an ninh, đóng đồn tại địa phương, họ hưởng chế độ tự
trị khá rộng rãi, nhờ đó mà “những chỗ gò hoang đất trống đã được khai
khẩn thành ruộng vườn trồng tỉa”. Vua Gia Long cũng ra lịnh cho quân và
dân trong đất Gia Định trả lại những phần ruộng đất chiếm của người Cao
Miên và không tán thành việc dùng người Miên làm đầy tớ (1816).
Việc bảo vệ biên giới Việt Miên
Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên không kém Bắc thành. Vua Gia Long đã quan
niệm rõ rệt như thế. Bắc thành để ngăn ngừa nạn xâm lăng của Trung Hoa;
Hà Tiên, Châu Đốc để ngăn ngừa giặc Xiêm và giặc Cao Miên.
Giữa ta và Cao Miên, biên giới có phần giáp vào trấn Phiên An và Đồng
Tháp Mười, nhưng con đường chiến lược bấy lâu vẫn là sông Cửu Long,
cụ thể là Tiền giang, nơi đối phương có thể từ Nam Vang đổ xuống nhanh
chóng rồi thọc vào Định Tường. Về phía vịnh Xiêm La, còn Rạch Giá, Hà
Tiên ở sát mé biển.
Đồn lũy ở Hà Tiên và Châu Đốc đã có từ lâu, kể cả đồn Tân Châu, đồn Sa
Đéc.
Lằn ranh biên giới giữa ta và Cao Miên khi Cao Miên dâng đất Tầm Phong
Long là vùng người Miên gọi là Méat Chruk (tức là mõ của con heo, ta âm
lại là Ngọc Luật, Mật Luật), đại khái lấy sông Châu Đốc làm ranh giới.
Đồn Châu Đốc ở phía tây sông Châu Đốc, thủ sở phủ Mật Luật Cao Miên ở
bờ phía đông sông Châu Đốc, ấy là địa đầu quan ải trấn Vĩnh Thanh và
nước Cao Miên. Vua Gia Long đặt tên vùng Châu Đốc là Châu Đốc Tân
Cương, đặt chức Quản đạo. Từ đồn Châu Đốc đến vịnh Xiêm La, đường
ranh giới quá mơ hồ : Vàm sông Châu Đốc (ngược về phía bắc) tiếp đến
vùng Thất Sơn và rạch Giang Thành. Năm thứ 14 (1815), Gia Long ra lịnh
cho trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường đem dân binh trong trấn hạt
3000 người để xây đồn, chung quanh có hào thông với sông cái, xây vào
tháng chạp. Ngài giải thích với vua Cao Miên rằng đắp đồn Châu Đốc là để
giữ yên trấn Hà Tiên, làm nơi tiếp ứng cho thành Nam Vang. Ngài muốn