ngươi phải khéo léo trong mọi trường hợp, trấn an phủ dụ nhân dân địa
phương. Trước hết phải chiêu mộ dân buôn, xây dựng xóm làng, làm cho
đinh số hộ khẩu ngày càng tăng, ruộng đất ngày càng được khai khẩn
thêm”. Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829, thống chế Nguyễn Văn Tuyên thay
thế, rồi năm 1832 người lãnh bảo hộ Chân Lạp, giữ đồn Châu Đốc là Ngô
Bá Nhân. Tính đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), dọc theo kinh Vĩnh Tế
qua phía Thất Sơn, các thôn sau đây thành hình, lần hồi dân chúng xin
khẩn thêm đất, đa số là vu đậu thổ, tức là đất làm rẫy :
— Vĩnh Tế Sơn thôn (từ Châu Đốc vào)
— Nhơn Hòa thôn
— An Qů thôn
— Thân Nhơn thôn (giữa An Qů và Vĩnh Bảo)
— Vĩnh Bảo thôn (giữa Thân Nhơn và Long Thạnh)
— Long Thạnh thôn (giữa Vĩnh Bảo và Vĩnh Nguơn)
— Toàn Thạnh thôn (giữa Nhơn Hòa và An Thạnh)
— Vĩnh Gia thôn (giữa Vĩnh Điền và Vĩnh Thông)
— Vĩnh Lạc thôn (giáp với An Nông)...
Từ biển Nam Hải trở lên Châu Đốc, tức là hữu ngạn sông Hậu giang có vài
khu vực đáng kể không chịu ảnh hưởng nước lụt. Vùng Ba Thắc, Sóc
Trăng đã có người Miên khai khẩn từ lâu rồi. Phía Sóc Trăng từ đời Gia
Long thấy ghi làng Tân An (rạch Cần Thơ), làng Thới An (Ô Môn), làng
Thới Thuận, Tân Thuận Đông (vùng Thốt Nốt), làng Bình Đức ở rạch
Long Xuyên, làng Bình Lâm ở Năng Gù. Làng này cách làng kia hàng chục
cây số, nằm trên các vùng đất gò, đất giồng. Các thôn xóm này đều bám
sát vào bờ Hậu giang. Cù lao ngoài bờ sông cái thì phì nhiêu hơn : ven cù
lao là đất cao ráo, thích hợp để trồng khoai, trồng đậu. Nhìn các bản đồ
kèm theo đơn xin khẩn đất đời Minh Mạng ở vùng này, ta thấy đa số đồng
bào khẩn theo lối móc lõm, ở ngọn, ở ngay ngả ba rạch. Đông đúc nhất là
vùng Năng Gù, Chắc Cà Đao, đất khẩn liên ranh nhau. Tiếp giáp vào phần
đất làm ruộng làm rẫy là đất lâm (ở vùng mé sông là rừng tre, thanh trúc
lâm). Vì là bờ sông cái nên chim cò bay tới lui, đáp xuống bãi sông, tre
chịu được ngập lụt hằng năm mà không chết. Ta có thể đoán rằng mực