phán : “Đó là vùng biên giới quan trọng của quốc gia, trẫm muốn vì nhân
dân mà gìn giữ cho nên phải đặc biệt chú ý tới việc cai trị. Đó chính là kế
hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khóa đinh điền, đâu phải là việc cần
tính toán trước”. Rồi ngài cho miễn thuế ba năm. Ba năm sau, thành thần
Gia Định tâu xin thâu thuế. Ngài ra lịnh : “Những xóm làng tân lập được
miễn thuế thêm ba năm nữa. Riêng thuế thân, thuế điền thổ được hoãn thêm
một năm nữa”. Một tài liệu khác cho biết thêm con số : đồn Châu Đốc mới
lập được 41 xã, thôn, phường; dân đinh chỉ mới được hơn 800 người.
Nhưng năm sau (1831), Tổng trấn Gia Định thành lại tâu với lời lẽ bi quan :
“Đồn Châu Đốc xã dân mới thiết lập, địa thế ruộng đất khó khai khẩn”.
Vua cho bộ Hộ biết : “Đồn ấy là nơi địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống
chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp khẩn điền, quây
quần sinh sống. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong việc củng cố vùng
ngoại biên cương. Nhất sơ việc khai khẩn còn khó khăn nên đã được triển
hạn nhiều lần. Năm ngoái đây, quan trấn thành đã có lời xin, lần thứ hai
trẫm đã khoan miễn cho ba năm tiền dung (tiền xâu) cùng dịch vụ, và đã
phán bảo phải dùng nhiều phương pháp để chiêu dụ thu nạp, để cho đồng
áng ngày càng mở mang, sinh sống dồi dào, đã hơn một năm nay mà vẫn
chưa thấy thi thố phát triển điều gì, liền vội cho là vì tình trạng khó khăn.
Đó phải chăng là lối làm việc tắc trách cho xong chuyện ? Nay truyền chỉ
cho thành thần (quan trấn Gia Định) phải nghiêm sức các công chức của
đồn phải tất tâm thi thố, hầu làm cho đất rộng đông dân, hạn đúng ba năm
phải có đủ hồ sơ về triều đình khen thưởng, không thể đổ cho là tại tình
hình khó khăn mãi được”.
Vua quan tâm đến vấn đề biên giới Châu Đốc, và tiên đoán những rắc rối
sắp xảy ra giữa Việt Nam và Xiêm La, không riêng ở mặt trận Cao Miên
mà còn ở cả mặt trận Lào. Ngài muốn quy dân gần như vô điều kiện, miễn
thuế hai đợt.
Hai năm sau, cuối năm 1833, quân Xiêm tràn qua.
Làng ấp ở vùng kinh Vĩnh Tế và Thất Sơn lúc bấy giờ thành lập với quy
chế dễ dãi, như trường hợp làng Phú Cường, tách ra từ làng An Nông. Năm
Minh Mạng thứ 12 (1831), vào tháng 3, Trương Văn Nghĩa đứng đơn, xin