thiểu để lập một ấp là 10 người, đủ số ấy mới được chọn đất mà khai khẩn,
lập bộ. Nên hiểu đây là 10 người dân cam kết chịu thuế, lần hồi ấp này quy
tụ thêm một số lưu dân, bọn này không cần vô bộ, cứ sống theo quy chế
dân lậu. Khi ruộng đất thành thuộc, dân đông hơn thì nâng lên thành một
làng.
Người Tàu cũng có thể đầu mộ, lập ấp.
Có lệ khen thưởng những người mộ dân lập ấp : được 30 người thì tha xâu
thuế trọn đời, 50 người thời thưởng chánh cửu phẩm, 100 người thời
thưởng chánh bát phẩm. Nên nhớ là muốn mộ dân thì phải có vốn lớn để
nuôi dân, cho vay làm mùa trong mấy năm đầu (vay tiền và vay lúa ăn).
Các ông bá hộ, tức là chủ nợ (đồng thời cũng là ân nhân) khi chết thì trở
thành tiền hiền, thờ trong đình làng. Đây là nội dung lời tâu đặc biệt của
Nguyễn Tri Phương :
— Người Cao Miên ở các sốc thuộc Ba Xuyên và Tịnh Biên mới quy tụ về
theo ta (sau các biến loạn đời Thiệu Trị) đáng lý thì phải đem phân tán
khắp nơi, nhưng ta lại cho họ trở về quê quán, nếu tiếp tục sống như thế họ
sẽ có cơ hội để làm loạn như trước. Bởi vậy dân khắp Nam kỳ lục tỉnh nếu
muốn ứng mộ qua Tịnh Biên, Ba Xuyên để lập ấp thì cứ cho, nhưng họ
phải sống trong các tổng đã thành lập rồi (nhưng nay thì đã xiêu tán, dân
không còn đủ số).
— Tù phạm ở Lục tỉnh, ai mộ được một đội hoặc một thôn (50 người) thời
cho làng chúng nó bảo kiết, sẽ tha tội rồi đưa đến vùng kinh Vĩnh Tế
(thuộc tỉnh An Giang) hoặc vùng rạch Giang Thành (tỉnh Hà Tiên) để cày
ruộng, tùy theo công việc kết quả tới đâu, hạnh kiểm ra sao sẽ liệu định mà
giải quyết.
Qua lời tâu của Nguyễn Tri Phương, ta thấy có dụng ý cho tù phạm đoái
công chuộc tội vì vùng Vĩnh Tế và Giang Thành là nơi khó khai khẩn, lại ở
sát biên giới, nguy hiểm hơn các vùng khác.
Năm sau, 1854, sáng kiến của Nguyễn Tri Phương gặp nhiều sự khen chê
của các quan, thấu tai vua. Nguyễn Tri Phương tâu về việc ích lợi của
chánh sách nói trên và nhìn nhận rằng : “Tôi xét việc đồn điền vẫn lợi
nước lợi dân mà không lợi cho Tổng, Lý. Vậy nên Tổng, Lý đặt điều để