đơn giản nhưng gắt gao : phải cư ngụ trong làng, có hằng sản hoặc uy tín
lớn (thí dụ như người nghèo nhưng ông cha ngày xưa làm quan hoặc đã
sáng lập làng). Lúc ban đầu chỉ đặt ra thôn trưởng (xã trưởng) và hương
thân (theo Luro, chức hương thân do Nguyễn Tri Phương bày ra). Lần hồi
khi làng đông dân, thuế má dồi dào thì cử thêm ấp trưởng, cai tuần, trùm
cả, thủ hộ, biện lại, biện đình. Hương chức lớn thì có thêm hương hào,
hương sư, hương chánh, hương lễ...
Nhiều người cho rằng hương chức làng là tổ chức dân chủ. Đó là nói quá
đáng, nếu không sai lạc : tổ chức phong kiến, của phe đảng thì đúng hơn.
Khi thiếu một người hương chức thì mấy người sáng lập làng hoặc những
người đang làm hương chức bèn nhóm lại rồi cử người trong nhóm, trong
phe. Dân nghèo không hằng sản, tức là không điền đất hoặc không vốn
liếng to để làm nghề mua bán thì chỉ được quyền đứng ngoài xa mà nhìn,
hoặc là nấu nước pha trà cho các ông hương chức uống khi họ bầu cử lẫn
nhau. Vua chúa ngày xưa nhắc nhở đến dân, “dân vi quý” hoặc gọi tổng
quát là bá tánh. Nhìn qua bộ điền hoặc địa bộ của làng, ta thấy tên họ của
những người dân mà thời phong kiến đề cập tới : đó là những điền chủ lớn
nhỏ, những ông bá hộ. Dân lậu, không tên trong bộ, không được nhìn nhận
là dân.
Việc khẩn đất
Lần hồi, khi Gia Long bắt đầu cai trị thì việc khẩn hoang không còn quá dễ
dãi như lúc mới bắt đầu Nam tiến. Nhà nước kiểm soát kỹ lưỡng việc khẩn
đất, nhằm mục đích thâu thuế. Đời Tự Đức, trên nguyên tắc thì đất hoang
(hoang nhàn) ai làm đơn xin khẩn trước là người đó được.
Hễ đất bỏ hoang, không đóng thuế là đem cho người khác trưng khẩn để
nhà nước khỏi bị mất thuế.
Đất tạm bỏ hoang, trong trường hợp chủ đất chết, không con, thân nhân
chưa hay biết thì giao tạm cho người khác, chờ có người đến nhìn nhận.
Không đóng thuế, đất có thể bị mất. Muốn đóng thuế, phải đăng vào địa bộ.
Muốn đăng vào địa bộ thì phải làm đơn theo thủ tục.
Nhà nước luôn luôn thúc giục dân khẩn đất, ghi vào địa bộ và đóng thuế để
khỏi bị tranh cản về sau, nhứt là trường hợp đất tốt ở nơi đông dân cư, gần