đường giao thông tiện lợi.
Nhiều sự trừng phạt đích đáng dành cho kẻ ẩn giấu diện tích, canh tác lậu.
Năm Gia Long thứ 9, theo lệ thì khi gặp đất canh tác lậu thuế (đất không
xin ghi vào bộ), kể tố giác được hưởng phần đất ấy, xin ghi vào bộ để làm
chủ, tức là hưởng công lao khẩn hoang của kẻ đi trước. Nếu người tố giác
không muốn khẩn thì đất vẫn còn là của chủ cũ, chủ cũ phải lập tức hợp
thức hóa.
Nếu là vùng đất tốt, tên Giáp khai 5 mẫu nhưng trong thực tế cày cấy đến 8
mẫu, người tố giác có thể xin trưng khẩn 3 mẫu thặng dư.
Lệ năm Minh Mạng thứ 15, sửa đổi chút ít : kẻ nào canh tác trên phần đất
ruộng hơn diện tích đã khai trong bộ thì bị phạt, tiền phạt đem thưởng cho
kẻ tố giác (đất lậu ấy không bị tịch thâu).
Nếu khẩn một khoảnh đất riêng rẽ, hoàn toàn trốn thuế từ lâu thì đất bị tịch
thu, giao cho kẻ nào chịu đến canh tác và chịu đóng thuế.
Lệ năm Tự Đức nguyên niên đặt ra : hễ đất mới khẩn mà chưa làm ruộng,
chủ hoàn toàn trốn thuế thì giao cho người tố giác làm chủ, ghi vào bộ. Nếu
đất trước đó có canh tác, có đóng thuế nhưng trải qua một thời kỳ bỏ hoang
lâu hay mau, chủ trở lại canh tác mà không chịu đóng thuế thì chủ đất bị
phạt 3 quan mỗi mẫu, đất không bị tịch thâu. Tóm lại, đời Tự Đức đất chỉ
bị tịch thâu giao cho người khác khi là đất hoang, mới khai khẩn. Kẻ bị tố
giác phải chịu đóng thuế năm trước và những hình phạt bằng roi cho kẻ
khai gian diện tích.
Luật lệ khẩn đất ngày xưa định như sau :
— Đất đã ghi vào bộ, biết rõ ranh giới và diện tích mà bỏ hoang vô thừa
nhận thì dân làng cứ làm đơn xin phục khẩn, quan Bố chánh có trọn quyền
định đoạt. Đất mới bỏ hoang dưới 5 năm, được miễn một năm thuế điền,
đất bỏ hoang quá lâu (cửu kinh hoang phế), miễn 3 năm.
— Chủ đất chết, không con thừa tự thì làng cho người khác tới lãnh, ghi tên
vào bộ (diện tích đã biết rõ rồi).
— Nếu muốn khẩn nới rộng thêm một sở đất đã vô bộ từ trước, chủ đất cứ
làm đơn, quan trên sẽ chấp nhận sau khi khám xét (trường hợp tăng trưng).
— Nếu là sở đất to, ở vùng hoang nhàn chưa ai khai khẩn thì theo thủ tục