nôm na là lúa ruộng (chữ nho gọi là “tá túc”), lúa mướn đất. Nên phân biệt
với “tô túc” là số lúa mà chủ điền đóng cho nhà nước trong thuế bằng hiện
vật, cộng với một số tiền mặt.
Thời phong kiến (luôn cả đến thời Pháp thuộc) giữa chủ điền và tá điền
không có quy định nào rõ rệt do nhà nước đưa ra về số lúa ruộng (tá túc)
mà tá điền phải đóng cho chủ điền, theo tỷ lệ hoặc giá biểu nào cả. Tá điền
chỉ biết trông cậy vào lòng nhân đạo của chủ điền mà thôi. Luân lý Khổng
Mạnh thường nhắc đến hai tiếng “tích đức”, là nhắm vào chủ điền trong
việc đối xử với tá điền, giới tá điền dầu có lòng tốt thì cũng chẳng có ai
dưới tay để mà ban bố.
Về pháp lý, tờ tá (tờ mướn đất) là văn kiện do chủ điền và tá điền tự ý ký
kết. Nếu tá điền vi phạm điều giao kết thì chủ điền tố cáo, nhờ quan làng
xử. Năm nào tá điền trả không nổi thì chủ điền giữ giấy ấy lại, xem như là
giấy nợ hợp pháp.
Một số hương chức và thân hào tuy không đứng bộ, không làm chủ sở đất
nào trong làng nhưng lại có ưu thế đối với đất gọi là công điền, do làng
làm chủ (nhưng hương chức làng không được tự ý bán, trong bất cứ trường
hợp hoặc vì lý do nào). Họ đứng ra mướn đất công điền với giá rẻ rồi cho
dân mướn lại với giá cao hơn, họ đóng vai trung gian mà ăn lời. Trên lý
thuyết thì sự thành lập công điền nhằm mục đích giúp cho công quỹ của
làng thâu thêm lúa và tiền để dùng vào công ích, đồng thời giúp một số tá
điền có đất làm ruộng. Nhưng người tá điền chẳng được hưởng ân huệ gì
cả.
Người chủ điền thời xưa được quyền hưởng “lộc” do tá điền đền ơn cho, vì
chủ điền đã giúp tá điền có đất mà cày, có nơi cất nhà, có chỗ vay mượn
lúc đau ốm. Khi vay, con nợ phải mang ơn; chủ điền là ông vua nho nhỏ
trong đất đai của họ, tá điền đóng vai thần dân của tiểu giang sơn. Chủ điền
bắt buộc tá điền làm “công nhựt”, tức là làm thí công, mỗi năm vài ba ngày,
(tùy theo lòng nhân đức của mỗi chủ điền) lúc có đám giỗ, lúc chủ điền gả
con, ăn mừng tuổi thọ ngũ tuần, lục tuần. Đặc biệt là trước ngày Tết, tá điền
phải đến làm cỏ vườn, bửa củi, xay lúa, chèo ghe. Ngoài số lúa ruộng ghi
trong giấy mướn đất, tá điền còn góp một số hiện vật gọi là “công lễ”, thì