khá phức tạp, giống như thủ tục xin lập một làng mới :
* Làm đơn dâng lên quan Bố chánh để xin khẩn, kèm theo bản đồ sơ sài,
ghi tứ cận ranh giới. Quan Bố chánh sẽ phú hồi cho quan huyện sở tại
khám xét.
* Quan huyện gọi hương chức làng và những người chủ đất giáp ranh đến,
khám xét lại, mục đích chánh là đề phòng trường hợp lấn vào phần đất mà
người khác đang khai khẩn nhưng chưa xin vô bộ kịp, rồi lập tờ phúc bẩm,
chờ quan Bố chánh duyệt xem.
* Quan huyện cho viên chức tới lập tờ án khám, xác nhận cấp đất.
Trên thực tế, thủ tục khẩn đất quá khó khăn. Ngày xưa đường giao thông
bất lợi, dân ở vùng Sóc Trăng phải vượt đường xa, đến tận chợ Châu Đốc
để dâng đơn lên quan Bố chánh, hơn trăm cây số. Lại còn bao nhiêu sở phí
linh tinh : lo lót cho lính lệ, cho các viên chức và quan huyện đi làm phúc
bẩm và án khám, lo lót cho hương chức làng. Người dân nghèo thiếu vốn
liếng để giao thiệp và lo hối lộ thì chẳng bao giờ làm chủ đất được. Lương
bổng của các quan rất ít oi; đứng về pháp lý và luân lý Khổng Mạnh, các
quan lớn nhỏ được phép tha hồ nhận tiền hối lộ (gọi là lộc). Làm chuyện
ích lợi cho dân, dân đền ơn thì cứ hưởng một cách thoải mái, lương tâm
chẳng ray rứt !
Chủ điền, chủ nợ và tá điền
Dân trong làng phải ghi vào bộ để chịu thuế; dân có nghĩa là đàn ông, con
trai. Tất cả dân, làm bất cứ nghề gì cũng phải ghi. Trên nguyên tắc thì vậy
nhưng ở làng có rất nhiều người không ghi tên vào bộ đinh. Họ là dân lậu.
Rốt cuộc, chỉ những người điền chủ mới ghi tên, chịu thuế. Luro giải thích
: Hương chức làng đã qua mặt Triều đình và Triều đình làm ngơ vì nếu áp
dụng luật lệ quá gắt gao, một số đông dân làng sẽ bỏ trốn vì đóng thuế
không nổi, chi bằng cứ chấp nhận một số ít dân đóng thuế mà làng xóm tồn
tại, việc ruộng nương được điều hòa.
Dân lậu là ai ? Là tá điền, tức là những người không đủ thế lực, không đủ
vốn khẩn đất, họ mướn lại đất của chủ điền.
Là tá điền, khi mướn đất họ phải làm tờ tá điền (gọi tắt là tờ tá) tức là tờ
mướn đất để làm ruộng. Mỗi mùa, họ đong cho điền chủ một số lúa gọi