Sơn Nam
Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Chương 2 - 1
Nghĩa quân thất trận và nông dân mất ruộng
Thực dân Pháp gây xáo trộn toàn diện cho việc khẩn hoang ở miền Nam,
mạng sống người dân không được bảo đảm, nói chi đến mùa màng, đất
ruộng. Thực dân không dung túng hạng dân lậu như hồi cựu trào. Đất
ruộng cũng thay đổi chủ. Giới quan lại, nho sĩ bị phân hóa, một số ít theo
thực dân Pháp nhưng chỉ được chúng xài lúc ban đầu, vắt chanh rồi bỏ vỏ.
Một số khác thì giữ thái độ tùy thời, tự biện hộ là minh triết bảo thân.
Nhưng ở miền Nam, thực dân đưa ra miếng mồi khá ngon là khẩn đất, cơ
hội tốt cho ông nhiêu, cậu ấm trở thành điền chủ để rồi rảnh rang uống
rượu ngâm thơ, công kích vu vơ, chán đời lúc về già. Một số đông cố ý lẩn
tránh, không hưởng bất cứ ân huệ nào của tân trào, sống nghèo với nghề
dạy trẻ, hốt thuốc, coi quẻ diệc, dạy đờn ca, về thôn xóm mà vui với điền
viên, mơ đời Nghiêu Thuấn, biết vinh biết nhục, tuy nhiên sinh kế khó
khăn khiến cho các ông phải lâm vào cảnh “chỉ nhện lăng nhăng, cò vướng
cánh ; bãi lau lẩn bẩn, cá quên sông”. Nho sĩ dùng võ lực kháng Pháp nổi
danh là Thủ khoa Huân, đáng danh chí sĩ ; chiến sĩ văn hóa là ông Đồ
Chiểu. Liều mạng đến mức gàn là ông Cử Trị, ông Nhiêu Phang. Thiên hộ
Dương là điền chủ. Trương Định coi việc đồn điền, cũng là điền chủ.
Nguyễn Trung Trực là nông dân, dân chài (anh chài Lịch).
Thoạt tiên, thực dân lúng túng, chưa tìm ra thể thức cai trị thích hợp : Việt
Nam là dân có trình độ văn hóa khá cao và có nét độc đáo khác hơn các
thuộc địa “da đen” ở Phi Châu. Thực dân cố ý dùng chánh sách :
— Đồng hóa về mặt hành chánh để dễ cai trị, sửa đổi lề lối làm việc cùng là
cách soạn thảo công văn, cách thâu thuế, dự trù thuế, cách giam giữ, cách
đấu thầu, tức là sắp đặt bộ máy hành chánh quan liêu mới thay cho những
thủ tục quan liêu cũ.
— Bảo vệ những tệ đoan phong kiến, gọi cho ra vẻ sang trọng là bảo vệ
văn hóa dân tộc : Duy trì hủ tục ở thôn quê, đình làng xôi thịt, các ông