lần ẩn lánh ngoài khơi vịnh Xiêm La, tận hòn Sơn Rái nơi thảo am của
thầy Đước : người tu hành ở cheo leo ngoài biển khơi vẫn nặng lòng vì
nước. Về sau, hai anh em họ Đỗ bị bắt và xử tử, nghĩa quân thì bị đày.
Tham biện Rạch Giá xử họ trong phiên tòa gọi là “tòa án bổn xứ”, chính
ông ta làm Chánh án. Tên chủ tỉnh Benoist nổi danh là tàn ác (và thích
khảo cứu) đã “nhân danh dân chúng nước Pháp” mà buộc tội và tuyên án
đúng “luật An Nam” theo đó “người làm loạn bị xử trảm, kể luôn những
bọn đồng lõa, không cần phân biệt tội nặng nhẹ giữa chánh phạm và tòng
phạm”. Tuy nhiên, viên chủ tỉnh cho ân giảm đổi án tử hình ra 20 năm lưu
đày (trường hợp Phạm Tấn Trì). Một can phạm cũng trong vụ khởi nghĩa
này là Võ Văn Trước, người làng Đông Thái bị xử lưu đày chung thân.
Nay hãy còn nhiều danh tánh can phạm do thực dân xử theo biện pháp cao
hứng, tùy theo sự tố cáo với tang chứng mơ hồ. Họ là chiến sĩ vô danh, đa
số bị lưu đày từ thanh niên đến kẻ già nua, từ kẻ thất học đến kẻ đậu tú tài,
ngụ ở làng mạc vùng Mỹ Tho, Tây Ninh, Bà Rịa, Cao Lãnh, Tân An, Cần
Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Thủ Dầu Một, Long Xuyên, Vĩnh
Long, Châu Đốc, Bến Tre. Thân nhân của họ nhờ các quan địa phương
chuyển đơn kêu nài. Trường hợp ông Võ Văn Tòng từng làm đội quản
(lãnh bằng cấp để khởi nghĩa) bị bắt vào cuối năm 1864, vừa bị đày ra Côn
Nôn một tháng là chết bịnh ; ấy thế mà 15 năm sau, vì gia đình chưa hay
tin nên con là Võ Văn Toán lại làm đơn xin ân xá vì cha đã thọ án được 15
năm rồi ! Trường hợp của ông tú tài Trần Văn Trà bị đày qua Cayenne, vợ
làm đơn xin ân xá, xin giảm án quá nhiều lần mà không được chấp thuận,
mặc dầu có tri phủ Tôn Thọ Tường đứng ra làm tờ bảo lãnh với quan trên :
“Như ông còn hồ nghi sự gì thì xin khi tha nó ra rồi dạy nó phải ở tại Sài
Gòn sau nó còn làm sự gì quấy quá thì tôi cũng xin chịu tội chung với nó”.
Vụ ông Quản Hớn giết phủ Ca ở Hóc Môn được xử tại Gia Định vào
12/9/1885 gồm 37 người lãnh án, trong đó 14 người bị lên án tử hình.
Cũng năm 1885 này, ở Cao Miên phong trào chống Pháp lên cao.
Người Miên ở Hà Tiên và người Việt hợp tác nhau đánh Pháp vài trận,
quân khởi nghĩa gom đến trăm người ở vùng Mũi Nai (chợ Hà Tiên) và
Rạch Vược, Ba Hòn.