Vấn đề lưu dân ở Sài Gòn
Sự khủng bố ở thôn quê khiến nhiều người mất công ăn việc làm, kéo lên
Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng ngoại ô nhưng họ chưa thích ứng được với
hoàn cảnh sinh sống mới. Do đó, thực dân gặp nhiều khó khăn trước phong
trào mà chúng gọi là “lưu manh, du côn” Sài Gòn. Từ năm 1864, đô đốc
Lagrandière ra quyết định bắt buộc những người Việt cư trú ở Sài Gòn
phải ghi tên vào bộ vì nhiều vụ cướp bóc (?) xảy ra từ lâu, hạn 8 ngày
không đến làng để khai lý lịch và ghi tên vào bộ thì bị phạt từ 5 đến 10
quan và ở tù từ 8 ngày đến hai tháng. Non hai tháng sau có lịnh nghiêm
nhặt hơn : xét bắt những người Việt hiện đang cư trú chung quanh thành
Sài Gòn cũ và vùng rạch Thị Nghè, luôn cả người Tàu ; ai có giấy tờ của
làng cũ thì bị đuổi trở về, ai không căn cư, chẳng làng xã nào nhìn nhận thì
bị nhốt để chờ ngày đày ra Côn Đảo hoặc đảo Bourbon. Thực dân đề
phòng gắt gao vì được tin sắp có khởi nghĩa tại Sài Gòn. Mãi đến năm
1875, vùng ngoại ô Sài Gòn vẫn chưa yên tịnh, một tay sai đắc lực của thực
dân từng điềm chỉ những người cầm đầu khởi loạn lại bị giết bỏ xác gần
chùa ở ranh giới ba làng Tân Thới, Bình Hưng và Bình Hưng Đông ; thống
đốc Nam kỳ ra lịnh phạt hương chức hội tề ba làng nói trên về tội không
phát giác kịp thời và giấu nhẹm ; tiền phạt cộng chung là 1000 quan, trong
đó 500 quan xuất ra trợ cấp cho gia đình nạn nhân. Đến năm 1887, quan
tham biện hạt thứ 20 (sau đổi lại là tỉnh Bình Hòa rồi đổi là tỉnh Gia Định)
báo cáo tỉ mỉ hơn, nhận định rằng thành phần bọn bất hảo gồm nào thợ thất
nghiệp, lao công Việt và Tàu, bọn đánh xe ngựa, bọn làm bồi cho Tây đang
thất nghiệp, đông đảo nhứt là bọn lưu dân từ khắp các tỉnh Nam kỳ tựu về
tìm phương kế sinh sống. Bọn này thường tỏ ra ngạo mạn, bất phục tùng
luật pháp. Vì có lịnh không cho áp dụng quy chế thổ trước tại quận Gia
Định nên viên chức không còn khả năng trừng trị họ. Họ cứ ung dung làm
điều sai quấy, hễ bị bắt là 24 giờ sau họ được thả ra, theo luật định. Năm
1899, tình hình ở tỉnh Gia Định và ngoại ô Sài Gòn thêm bi đát hơn. Du
đãng tụ tập ở Bà Điểm Bà Quẹo để lộng hành, chỉ huy bọn nài ngựa ở
trường đua, cầm đầu bọn ăn trộm ở Hòa Hưng ; hương chức làng Hòa
Hưng không dám hó hé. Én cướp đánh tại làng Bình Sơn, trên sông Sài