Gòn, có tên cướp xăm mấy chữ “anh hùng nhứt xứ”. Tổng đốc Phương
nhận định rằng từ năm 1895 việc du côn ngày càng thêm, hiệp với bọn
Thiên Địa Hội mà hà hiếp dân sự, ai giận ai thì mướn nó đánh phá, muốn
được cử làm hội đồng, cai tổng thì mướn du côn coi chừng, ai không bỏ
thăm cho phe thì chận đánh, ở nhà quê, du côn lại nhà giàu mượn tiền 50,
30 đồng, ai thưa với làng thì nó đốt nhà, mượn không bao giờ trả, chẳng ai
dám tố cáo. Bọn du côn hăm he hương chức làng rằng nếu bắt chúng, sau
khi ở tù về, chúng giết chết. Bắt thì tòa theo luật Lang Sa không cầm tù
lâu. Bởi vậy, chẳng ai dám bắt, trở về tụi nó sẽ dữ hơn. Nếu tòa phạt năm
bảy ngày, cả bọn góp tiền mướn thày kiện lãnh ra. Tổng đốc Phương yêu
cầu đày bọn du côn đi làm xâu vào dịp mở đường xe lửa Lang Bian, du
côn thứ dữ thì phạt một năm tù, thứ vừa thì phạt sáu tháng, làng xã phải kê
khai tên tuổi bọn du côn trong làng.
Năm 1901, bọn du côn đánh nhau giữa ban ngày, cách tòa Bố Gia Định có
500 thước, đánh nhau mà không bao giờ thưa gởi tới cò bót. Tại sòng bạc
ở Gò Vấp, lính mã tà phải xin lỗi bọn du côn chứa bạc vì đã trót đến xét
bắt. Mỗi xứ đều có anh hùng riêng, đường Monceaux, vùng Đất Hộ, Phú
Nhuận, vùng Bình Hòa, vùng Gò Vấp. Nổi danh nhứt là bọn Ba Thiên và
Sáu Thắm, chúng hẹn nhau đến Lăng Cha Cả hoặc ngả tư Phú Nhuận mà
so tài, theo luật giang hồ. Du côn ở Đất Hộ mà quan cầu thì bị du côn Phú
Nhuận hành hung. Bên trong vấn đề trừng phạt bọn du côn là cuộc tranh
chấp về quyền hành giữa các tham biện chủ tỉnh và các cơ quan tư pháp
vào năm 1901—1902. Nha Tư pháp Đông Dương muốn áp dụng luật pháp,
chống những bản án hành chánh mà tham biện các tỉnh bấy lâu đã lạm
dụng để đày ra Côn Đảo những kẻ mà quan làng không thích, mặc dầu
không bằng cớ. Các viên chức hành chánh thì cho là nếu căn cứ vào luật
pháp thì làm sao bắt bọn du côn được ? Điển hình nhứt là lập luận của
tham biện tỉnh Gia Định bảo rằng dân thuộc địa chỉ sợ sức mạnh của người
Pháp mà thôi, không nên đối xử bình đẳng vì dân du côn xem việc ở tù
sướng hơn là sống ở ngoài đời. Và làm sao trưng được bằng cớ cụ thể để
buộc tội, khi bọn du côn ăn thề, kết nghĩa với nhau trong quán rượu chớ
không ghi trên giấy trắng mực đen.