báo mà chủ không nhìn nhận, hoặc thiếu bằng cớ cần trưng ra khi nhìn
nhận, thì sẽ không được tranh chấp nữa và trở thành công thổ. Tóm lại,
công thổ (đất hoang, vô chủ trong địa phận mỗi làng) không phải là đất của
làng, dẫu là về mặt tinh thần, tượng trưng. Hương chức không có quyền
cấp đất hoang, hoặc cho dân tạm khẩn hoặc cày cấy tạm. Quyền ấy là của
tham biện chủ tỉnh, thay mặt cho nhà nước. Bấy lâu vì chưa hiểu nguyên
tắc ấy, nhiều nơi hương chức còn tự ý cấp đất hoang. Quan Toàn quyền
Đông Dương đã ký nghị định 2/1/1892 để ngăn cản tình trạng trên.
Với sự quy định ấy, thôn xóm chỉ còn tự trị về mặt hình thức mà thôi, vì
trong thực chất, hương chức làng chẳng còn quyền hạn gì đối với đất đai
bỏ hoang cả. Ngay đến sở đất gọi là công điền của làng, phải được nhà
nước thừa nhận thì mới là hợp pháp.
Tình hình các tỉnh dưới mắt người Pháp
Tài liệu vào thời người Pháp mới đến tuy dồi dào nhưng phiến diện, chỉ là
sự nhận xét và báo cáo chủ quan của vài viên chức nặng óc thực dân. Xin
lược kê đôi ba tài liệu, gọi là chỉ dẫn mà thôi :
— Báo cáo của Paul Vial, Giám đốc Nội vụ vào tháng 9/1865 : tỉnh Mỹ
Tho ở vào ải địa đầu (Vĩnh Long, bấy giờ thuộc quyền triều đình Huế) chia
ra bốn hạt tham biện, mỗi hạt do người Pháp trực tiếp trông coi, dân làng đã
tự động chống quân làm loạn. Tháng rồi, 4 lãnh tụ trước kia theo Trương
Định bị bắt và giết ở phía Gò Công, do người bổn xứ giết (nên hiểu là bọn
theo Pháp như lãnh binh Tấn).
So với năm rồi, diện tích làm ruộng tăng thêm 50 phần trăm. Dân ở Sài
Gòn và Biên Hòa tăng thêm, đó là dân hồi cư. Tỉnh Biên Hòa được khả
quan từ khi lập đồn Bảo Chánh, một số dân miền Thượng giúp đỡ Pháp để
chận loạn quân từ Bình Thuận đột nhập. Người Thượng theo Pháp vì dư
đảng của Trương Định đối xử vụng về với họ.
Tỉnh Sài Gòn (Gia Định) không còn loạn quân nhưng bọn cướp còn đánh
phá ghe thuyền di chuyển lẻ tẻ. Có chừng 20000 ghe thuyền lớn nhỏ chở
chuyên hàng hóa, phân nửa số này di chuyển thường trực. Vial đề nghị cho
tàu máy đi tuần theo sông rạch, mỗi tàu chỉ cần 2 người Pháp, 6 tên lính mã
tà là đủ. Trước kia, chợ quan trọng ở nơi xa, nước cạn, vì vậy bọn giặc Tàu