văn học” đi sâu vào thơ ca là loại hình phổ biến nhất trong quần chúng và
trong tù.
Đợt chỉnh huấn văn nghệ đã tạo ra một bước chuyển biến mới trong
phong trào văn nghệ ở Côn Đảo. Da đen đứng dậy (Dehout Le Noir) và
Nhân dân miền Nam kính yêu Bác Hồ Chí Minh là hai bài hát được sáng
tác sau đợt chỉnh huấn văn nghệ, có tác dụng rất lớn trong công tác địch
vận và đoàn kết khối tù kháng chiến, thôi thúc họ bước vào giai đoạn đấu
tranh quyết liệt sắp diễn ra. Các bài hát Không đi lính; Không hiến máu
cũng góp phần tích cực hưởng ứng cuộc vận động của Đảo ủy chống chủ
trương của địch bắt tù nhân đi lính cho Bảo Đại và lấy máu tù nhân tiếp cho
thương binh chúng. Hàng trăm bài thơ, hàng chục bản nhạc còn lưu lại
được đến ngày nay là một di sản quý góp vào kho tàng văn học của dân tộc
ta trong giai đoạn 9 năm chống Pháp.
Trong thời điểm ấy, chỉnh huấn chính trị cũng như chỉnh huấn văn nghệ
không tránh khỏi sự ấu trĩ đương thời. Song, thành quả của cuộc chỉnh
huấn lúc ấy là rất lớn, là cơ bản. Là cuộc vận động chính trị - tư tưởng sâu
sắc của những người tù kháng chiến, đợt chỉnh huấn này giúp họ nâng cao
giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc, tiến công vào những tư tưởng cá nhân,
cơ hội, cầu an, quan liêu, địa vị, nhằm gột sạch những thói hư tật xấu, để
rồi sau đó họ thanh thản, phấn khởi, hăng say bước vào cuộc chiến đấu một
mất một còn với thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi tổng kết đợt chỉnh huấn ở trại tù binh, Đảo ủy chỉ đạo cuộc đấu
tranh đòi thực hiện chế độ tù binh và cải thiện chế độ lao tù, với các yêu
sách:
– Xóa bỏ chế độ tù án, không thừa nhận các bản án mà thực dân Pháp đã
xử, công nhận tất cả là tù chiến tranh. Thực hiện chế độ tù binh, tù chiến
tranh theo Công ước Giơnevơ 1949.
– Không được cho tù ăn gạo mục, ăn thịt bàn chải (thịt lợn không cạo
lông).
– Phải cung cấp rau tươi, đủ tiêu chuẩn ăn bất kỳ trong hoàn cảnh nào.