Nửa cuối những năm 20, cánh cổng sắt của nhà tù đế quốc ở Côn Đảo
mở rộng để đón những người tù chính trị bị bắt trong phong trào quốc gia
bồng bột rồi chấm dứt với cuộc bạo động Yên Bái của Quốc dân đảng, lớp
tù trí thức tiểu tư sản. Nếu như ngoài xã hội, “họ không biết đưa đất nước
mình đi đến đâu” - như viên trùm mật thám Đông Dương Mácty (L. Marty)
đã từng nhận xét, thì trong Nhà tù Côn Đảo họ cũng không làm được gì hơn
thế.
Đầu những năm 1930 hàng trăm tù nhân là đảng viên Việt Nam Quốc
dân đảng có mặt tại đảo, họ không có một phương sách, một biện pháp, một
cuộc đấu tranh nào đáng kế để chống lại chế độ lao tù. Có điều đáng ghi
nhận là nội bộ những người tù Quốc dân đảng đã phân hóa ngày một sâu
sắc và rõ nét. Một số ít do tư cách hèn hạ, không chịu đựng nổi cảnh ngục
tù đã đầu hàng, làm cò mồi, chỉ điểm cho giặc; một số khác thì than thân
trách phận vì đã bồng bột theo những thủ lĩnh thiếu suy nghĩ; còn bộ phận
tiến bộ nhất đã tham gia những phong trào đấu tranh của tù nhân dưới sự
lãnh đạo của tổ chức cộng sản trong nhà tù.
Nhiều thanh niên trí thức sớm nhận ra sự bế tắc về đường lối của Việt
Nam Quốc dân đảng và sự bất lực của những thủ lĩnh đảng này. Sống bên
những người cộng sản, dần dần họ được cảm hóa vì nhân cách, vì tình
thương và về lý tưởng cộng sản. Cùng học tập và đấu tranh với người cộng
sản, dần dần họ tin tưởng vào sự lãnh đạo của những người cộng sản qua
thể nghiệm bản thân trong đời sống lao tù. Những người tiên tiến nhất,
ngay trong nhà tù, đã tự nguyện đứng dưới cờ cộng sản, một số khi ra tù trở
thành đảng viên cộng sản.
Cuối những năm 20, đầu những năm 30, nhất là sau cao trào Xô viết -
Nghệ Tĩnh, các chiến sĩ cộng sản bị đày ra Côn Đảo ngày một nhiều. Bè lũ
thực dân âm mưu sử dụng hệ thống nhà tù đế giết hại tù chính trị, giết hại
những người cộng sản. Song những lớp tù chính trị cộng sản bị đày ra Côn
Đảo ngày một nhiều, mở ra một giai đoạn mới, khác hẳn về chất, trong
phong trào đấu tranh của tù chính trị ở Côn Đảo.