nửa đường, không giải phóng thực sự cho giai cấp nông dân, mang tính
chất bảo thủ.
Giai cấp tư sản
Đầu thế kỷ XVII, thành phần giai cấp tư sản Anh không đồng nhất.
Tầng lớp trên của nó gồm hàng trăm nhà đại công thương nghiệp, nắm
những công ty độc quyền lớn được tự do kinh doanh. Họ trở thành chủ nợ
của nhà vua và quý tộc phong kiến, có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy,
tầng lớp này gắn chặt số mệnh với chế độ phong kiến, chủ trương duy trì
nhà vua và chế độ phong kiến, chỉ đòi hỏi một vài cải cách nhỏ để tăng
thêm quyền lực chính trị và ưu thế kinh tế mà thôi.
Tầng lớp đông đảo trong giai cấp tư sản là những thương nhân tự do,
chủ các công trường thủ công, những người kinh doanh ở thuộc địa. Họ có
thái độ thù địch với nhà vua vì những biện pháp duy trì phường hội, chế độ
độc quyền thương mại của triều đình ngăn cản sự phát triển kinh tế công
thương nghiệp của họ. Vì vậy, họ trở thành tầng lớp tư sản tích cực trong
cuộc đấu tranh chống phong kiến, trở thành lực lượng đại biểu cho phương
thức sản xuất mới chống lại phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu.
Giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác
Chế độ nông nô ở Anh đã sớm bị thủ tiêu, người nông dân có thân
phận tự do. Tuy nhiên, trong chế độ phong kiến, khi mà ruộng đất hoàn
toàn thuộc quyền sở hữu của nhà vua và quý tộc thì người nông dân vẫn
không thoát khỏi sự ràng buộc của chế độ phong kiến. Nông dân Anh bị
phân hóa thành những tầng lớp khác nhau: nông dân tự do (freeholder),
nông dân tá điền (copyholder) và cố nông (cotter).
Chiếm đa số trong nông thôn là tá điền từ 60 đến 75% nông dân. Họ là
thành phần cơ bản của nông dân Anh, và cũng là đối tượng chủ yếu của
những tham vọng bóc lột của bọn địa chủ quý tộc. Họ cày cấy trên mảnh
ruộng của địa chủ, thường được giữ trong khoảng 21 năm. Sau khi hết hạn,