Cuộc đấu tranh gay gắt giữa nhà vua và thế lực tư sản quý tộc mới
diễn ra trong nghị viện, xoay quanh vấn đề tài chính. Cần tiền chi tiêu cho
những cuộc chiến tranh ăn cướp ở Xcốtlen, Ailen và cho việc phung phí
trong triều đình, nhà vua nhiều lần triệu tập nghị viện để đề nghị thông qua
luật tăng thuế và ban hành thuế mới.
Trong nửa đầu thế kỷ XVII, vua Anh nhiều lần triệu tập và giải tán
nghị viện. Trong lịch sử Anh hồi dó có “Nghị viện Ngắn” chỉ tồn tại 3 tuần,
“Nghị viện Dài” tồn tại 13 năm.
Nhưng mỗi lần nghị viện họp là một lần quý tộc mới và giai cấp tư sản
công kích nhà vua, từ chối không đóng thuế. Bản “Đại kháng nghị” do
nghị viện thảo tháng 11-1641 đã vạch ra 204 điều phạm tội của nhà vua, lên
án những chính sách hạn chế công thương nghiệp.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi của nhân dân Xcốtlen (1640) và Ailen
(1640-1642) cùng với phong trào nổi dậy của quần chúng lao động Anh đã
làm cho không khí sinh hoạt chính trị sôi sục, mâu thuẫn xã hội phát triển
lên tột độ. Trong tháng 11 và 12-1641, nhân dân Luân Đôn luôn luôn biểu
tình trước nghị viện hô khẩu hiệu “đả đảo chuyên quyền”, “đả đảo giáo
chủ” và gửi một bản kiến nghị có 20 ngàn chữ ký đòi trục xuất giáo chủ ra
khỏi nghị viện. Saclơ I ngoan cố, ngày 3-1-1642 ra lệnh bắt 5 nghị viên
hoạt động nổi tiếng hòng dập tắt phong trào. Nhưng nhân dân kịp thời bảo
vệ nghị viên, giúp cho các nghị viên trốn thoát. Sự kiện đó chứng tỏ rằng
quần chúng nhân dân khởi nghĩa là trụ cột thực sự để bảo vệ nghị viên.
Ngày 7-1-1642, 10 vạn người tập trung trên đường phố Luân Đôn để ngăn
chặn quân đội nhà vua định tấn công vào nghị viện. Bị thất bại, Saclơ I rời
lên miền Bắc, tập hợp lực lượng phong kiến chuẩn bị quay về phản công.
Tình thế cách mạng chín mùi, cuộc đấu tranh vũ trang sớm muộn sẽ bùng
nổ.
II - CUỘC NỘI CHIẾN CÁCH MẠNG (1642-
1649)