III - CHẾ ĐỘ CỘNG HÒA VÀ NỀN BẢO HỘ
ĐỘC TÀI CỦA CRÔMOEN
1. Chế độ Cộng hòa và những phong trào cuối cùng của phái
San bằng
Việc xử tử Sáclơ I đánh dấu sự sụp đổ của chế độ quân chủ phong kiến
và sự thắng lợi của cách mạng. Ngày 19-5-1649, do sức đấu tranh của quần
chúng, nền cộng hòa được chính thức tuyên bố. Những người Độc lập, đại
diện cho quyền lợi của quý tộc mới và tư sản loại vừa chiếm ưu thế trong
chính quyền. Quyền lập pháp thuộc về hạ viện, còn thượng viện bị thủ tiêu.
Quyền hành chính được trao cho một nội các do nghị viện bầu ra trong thời
hạn một năm. Tầng lớp sĩ quan trong quân đội, đứng đầu là Crômoen, nắm
những chức vụ quan trọng.
Tình hình kinh tế dưới chế độ cộng hòa không sáng sủa gì hơn mà trái
lại, ngày càng trầm trọng. Sự đình trệ lâu dài trong công thương nghiệp làm
cho nạn thất nghiệp lan tràn ở Luân Đôn và các trung tâm công nghiệp
khác. Vụ mất mùa năm 1647 và 1648 gây nên nạn đói liên tiếp. Giá lương
thực cao vọt trong khi tiền lương không tăng hoặc bị giảm xuống. Gánh
nặng của chiến tranh đè lên vai quần chúng. Nạn cướp bóc, nhũng nhiễu
của quân đội ngày càng làm cho nhân dân khổ cực. Như vậy, ngoài lời
tuyên bố cộng hòa, không một yêu sách nào trong “Bản thỏa ước nhân dân”
được thực hiện như lời hứa của phái Độc lập trong thời kỳ nội chiến thứ
hai.
Vì vậy, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân vẫn
không ngừng phát triển. Việc từ chối lời hứa thực hiện “Bản thỏa ước nhân
dân” làm cho quần chúng rất bất mãn và một lần nữa, phái San bằng đứng
dậy đấu tranh. Giôn Linbớc - lãnh tụ kiên cường của phái San bằng - kịch
liệt công kích chính phủ, coi chính quyền của phái Độc lập là những “xiềng
xích mới” và kêu gọi quần chúng đấu tranh.